Tôi nghe tiếng bác Hoài chào ông bà, sau đó cũng đi về luôn. Chỉ có cậu
Nhân ngồi lại, nhưng không nói với ông ngoại tôi một câu nào mà hỏi mẹ
tôi chuyện cày cấy đầu năm. Ngồi một lúc rồi cậu cũng đi về.
Một lúc sau, tôi lồm cồm bò ra khỏi chăn và đi ra ngoài. Thấy ông ngoại
đang ngồi trầm ngâm uống nước ở bàn, mẹ và ngoại không biết đã đi đâu.
Tôi len lén nhìn ông, sau đó vội vàng đi xuống bếp với dì.
Dì ngồi bên bếp củi với nồi cám lợn và một sảo khoai nước đã thái đang
chờ cho vào nấu. Thỉnh thoảng, dì lại vun thêm trấu vào để giữ nhiệt cho
bếp. Thấy tôi, dì cười và gọi tôi lại ngồi cùng cho ấm. Tôi ngồi thu lu trên
cái ghế con, hai tay ôm lấy đầu gối, mắt nhìn chòng chọc vào bếp củi đỏ
rừng rực, nhìn những sóng nhiệt đang lan tỏa ở xung quanh, sau đó tôi ngập
ngừng hỏi dì:
“Nhà mình sẽ chuyển đi phải không dì?”
“Không đâu. Dì sẽ không đi đâu cả.” Dì tôi lắc đầu cười đáp.
“Thế cháu không đi có được không?”
“Dì không biết, các cháu phải theo mẹ thôi.”
“Nếu vậy thì cả nhà ta sẽ không được ở cùng nhau ạ? Tại sao dì không
đi?”
“Cháu có muốn về ở với bố cháu không?” Dì vòng tay, ôm lấy tôi vào
lòng dì, tay xoa xoa lưng tôi và hỏi.
“Cháu không biết. Ngoại bảo bố không cần chúng cháu. Bố cũng có em
bé khác rồi. Cháu thích ở với ngoại và dì hơn.”
“Ông ngoại cũng thế. Ông ngoại cũng không cần bà, không cần mẹ cháu
và dì. Ông cũng có những đứa con khác. Nên dì cũng thích ở với ngoại và
mẹ con cháu hơn.” Dì nhỏ giọng bên tai tôi.
Thực tình, ngày ấy tôi vẫn còn là một đứa trẻ vô tri, tôi không hiểu được
những suy nghĩ phức tạp của ngoại, của mẹ và dì vào thời điểm đó. Là một
đứa trẻ, tôi được quyền nói yêu những gì mình thích, và ghét những gì
mình không ưa. Nhưng ngoại, rồi mẹ và dì, lại không được quyền nói ra
suy nghĩ thật của mình, bởi họ bị ràng buộc bởi tình vợ chồng, tình cha con,