không nỡ xa. Mà đất của tổ tiên là đất thừa kế, cũng không nên bán đi. Còn
đất là còn quê hương, đất bán rồi thì làm gì còn nơi chôn rau cắt rốn nữa.
Người nghèo nhất là người một tấc đất cắm dùi không có. Ông làm ăn giàu
có bao nhiêu, mà một tấc đất thừa kế cũng không có, thì sau này mãi làm
người tha hương mà thôi. Ở đây tôi có một ít vàng, ngày xưa u mất để lại
cho tôi, nói là nếu ông về thì vợ chồng mình lấy vốn làm ăn. Nhưng ông
không về thì tôi cũng đưa tất cho ông, đổi lại ông cho mẹ con, bà cháu tôi ở
lại đây để hương hỏa ông bà.”
Ngoại vừa nói vừa rưng rưng. Mẹ ngồi ở đầu giường bên này quay mặt
nhìn ra ngoài cửa không nói, nhưng tôi đã kịp thấy một giọt nước mắt trượt
ra từ hốc mắt của mẹ, rồi chìm hẳn vào ánh sáng vàng vọt của cái bóng đèn
sáng tù mù như con đom đóm đực.
Ông ngoại không nói gì, mãi sau mới lại thở dài, nói:
“Thôi, nếu bà với chúng nó không muốn đi thì tôi không ép nữa. Ở đây
cũng có họ có hàng, bà với chúng nó vẫn còn được nương nhờ. Tôi để lại
số điện thoại, có việc gì thì cứ gọi tôi về. Giờ hiện đại rồi, bà cũng đừng
tiếc tiền một cú điện thoại mà lại giấu tôi việc trong nhà. Còn vàng này…”
“Ông cứ giữ đi. Nhà toàn đàn bà con gái, lại chẳng có chỗ giữ, lỡ kẻ xấu
vào lấy trộm mất thì sao. Tôi giữ bao nhiêu năm nay cũng chẳng biết dùng
vào việc gì cả. Trên đấy ông làm ăn, có nó cũng như có thêm một ít vốn.”
Hai ông bà đưa đẩy nhau một hồi, cuối cùng ông đành phải nghe theo lời
bà cất vào túi.
Sau này tôi mới biết, thực ra vàng ấy cũng chẳng phải là của cụ bà để lại,
nếu không ngày ấy mẹ sinh ra tôi, ngoại cũng không phải gán hai thửa
ruộng cho ông bà Phúc để lấy tiền cho mẹ tôi nằm viện. Vàng ấy là của mẹ
và dì gom lại để đưa cho ngoại. Ngày xưa, lúc bố bế chị Vân đến bệnh viện
cho mẹ, còn lén nhét vào trong túi xách mấy chỉ vàng. Có lẽ bố coi đó là
một lời xin lỗi với mẹ. Mẹ không trả lại, định để sau này dùng cho chị em
tôi, nhưng việc này xảy ra nên mẹ đành mang ra để ngoại đưa cho ông. Số
vàng còn lại là của dì. Mấy năm đi làm dâu trên thành phố, dì cũng để dành