ra được một ít, định bụng dành dụm thêm, sau này mở một hiệu may ở đầu
làng kiếm thêm thu nhập và cũng để an hưởng tuổi già.
Mấy tháng sau khi ông ngoại đi, khi tôi gần như đã quên mất gương mặt
của ông, thì đột nhiên một buổi chiều, ông Hưng đi sang nhà tôi, thấy mẹ
tôi đang thái bèo ngoài sân, còn dì đang ngồi cắt vải trên chõng thì hỏi:
“Chúng mày đã biết tin gì chưa?”
Mẹ tôi đẩy cái nón, ngẩng đầu lên đáp:
“Chuyện gì thế ông?”
“Thằng Báu nó chết rồi.”
Mấy mẹ con tôi chưa hiểu ra chuyện gì và “thằng Báu” trong lời ông
Hưng là ai, thì đã lại nghe ông nói tiếp:
“Thằng Báu em chúng mày ấy. Nó là con của vợ hai bố chúng mày đấy.”
Mẹ nghe thấy vậy thì dừng tay dao, vội vàng đứng dậy hỏi:
“Chuyện thế nào vậy ông?”
“Còn thế nào nữa. Nó cờ bạc rồi nghiện hút, vừa chết trong trại cai
nghiện rồi. Hồi ấy tao bảo mà u chúng mày không chịu nghe. Bố chúng
mày về để bán nhà bán đất lấy tiền cứu nó ra khỏi trại thôi chứ có phải vì
mẹ con chúng mày cái nỗi gì đâu. Tao có người quen trên huyện, dăm bữa
nửa tháng lại lên cửa khẩu lấy hàng. Ở cái chợ cửa khẩu ấy, ai mà chẳng
biết chuyện nhà bố chúng mày. Sinh được ba đứa con thì hai đứa con gái đi
làm tít trong miền Nam, còn được một thằng lại sinh ra nghiện ngập, cờ
bạc. Đến là khổ. Tao sống đến gần hết đời rồi, giờ cũng mới tin trên đời này
đúng là có luật nhân quả.”
Mẹ tôi và dì lặng thinh.
Tối ấy, ngoại nghe tin cũng chỉ lặng thinh y như thế.
Tôi không biết khi ấy ngoại nghĩ gì, mẹ và dì nghĩ gì. Nhưng những gì
ông Hưng nói ngày ấy thì tôi nhớ lắm, nhớ đến mãi về sau.
Phàm ở đời này, bất cứ chuyện gì xảy ra cũng đều tuân theo luật nhân
quả cả.