nhận biết cái đó làm gì.
Tình cảm của tôi đối với họ luôn luôn không có gì thay đổi. Tuy cũng
có lúc thử tìm hiểu xem cái tàn bạo ở họ ra sao, nhưng trước hết tôi muốn
thoát ra khỏi nơi đây đã, muốn ghê gớm, muốn tuyệt đối, đến mức như mọi
cái đó bỗng nhiên hiện ra trước mắt tôi như thể do tác động của một sai lầm
khủng khiếp.
“Đã thế này thì chẳng còn quái gì nữa, chỉ còn nước tếch đi thôi”, cuối
cùng thì tôi cũng tự nhủ mình như thế...
Trên đầu chúng tôi, cách khoảng hai ly, có lẽ chỉ cách thái dương có
một ly, mấy viên đạn vừa rít lên vạch thành hai đường chỉ thép dài nhằm
giết chúng tôi, trong cái không khí ngày hè nóng nực.
Chưa bao giờ tôi lại thấy mình vô tích sự giữa những làn đạn và dưới
ánh nắng chói chang thế này. Một sự giễu cợt mênh mông, phổ cập.
Hồi ấy tôi mới có hai mươi tuổi. Xa xa là những trang trại bỏ hoang,
những nhà thờ trông rỗng toang hoác, cứ như thể bà con nông dân ở đây bỏ
cửa bỏ nhà suốt ngày để sang dự lễ hội ở tận bên kia hàng tổng, họ tin cậy
giao cho chúng tôi trông giữ tất cả của nả, cả làng quê, những cỗ xe, những
chiếc cáng ngổn ngang trên đường làng, rồi cả đồng ruộng, nhà kho, đường
sá, cây cối và cả những con bò, con chó bị xích, tất tần tật... Để kệ ai muốn
làm gì thì làm trong khi họ vắng mặt. Như thế thì bà con cũng tử tế đấy
chứ. “Cứ cho là thế đi - tôi thì thầm - nếu họ không rời đi nơi khác, nếu ở
đây vẫn còn có người làng thì chắc chắn không ai lại cư xử bỉ ổi đến thế
này! Thật là tồi tệ! Có lẽ chẳng ai dám làm như thế trước mắt bà con đâu!
Nhưng còn có ai để mà kiểm soát chúng tôi! Hơn nữa chúng tôi lại đang
hăm hở như cặp vợ chồng vừa làm xong lễ cưới, chỉ nhăm nhăm đợi họ
hàng khách khứa kéo nhau ra về là hai đứa thả sức làm những trò con lợn”.
Tôi cũng nghĩ thầm (ở sau một gốc cây) rằng có lẽ mình cũng muốn
thấy lão ta ở đây, cái lão Déroulède
mà người ta thường nhắc đến, để
xem lão làm thế nào khi đón nhận một phát đạn trúng cái bụng căng tròn
của lão.