Chỉ thiếu tiền để mà tếch thôi. Có cái đó là xong tất. Hơn nữa tôi cũng chỉ
còn một tuần ở Fort-Gono trước khi đến nhận việc ở Bikomimbo, được mô
tả khá thú vị.
Sau Phủ Toàn quyền thì tòa nhà lớn nhất Fort-Gono là nhà thương.
Trên suốt đoạn đường tôi đi, cứ trăm thước trong thành phố lại gặp một cơ
sở của nhà thương, mùi a-xít phê-nôn nồng nặc bay xa. Đôi lúc tôi đi liều ra
tận các bến cảng để xem cảnh lao động tại chỗ của mấy cậu bé thiếu máu
đồng nghiệp của tôi do Công ty Pordurière tuyển mộ từ Pháp sang với sự
bảo trợ toàn bộ. Hình như các cậu ta bị ám ảnh vào một cuộc giành giật hối
hả để không phút nào ngừng việc dỡ hàng lên chuyển hàng xuồng hết con
tầu này đến con tầu khác. “Một con tầu kẹt ở cảng là tốn kém lắm”, các cậu
ta ngao ngán nhắc nhở nhau một cách thật thà như vậy, tưởng chừng đấy là
tiền bạc của các cậu không bằng.
Các cậu cuồng nhiệt hối thúc những người phu khuân vác da đen.
Hăng hái thì không ai chối cãi, nhưng cũng hèn hạ, tàn ác như lòng hăng
hái của các cậu vậy. Tóm lại, đó là những nhân viên bằng vàng, được chọn
lọc, một sự nhiệt tình vô thức vẩn vơ. Những đứa con như mẹ tôi hằng mơ
ước, những đứa nhiệt tâm với các ông chủ của chúng, mẹ chỉ mong có được
một đứa như thế cho riêng mẹ, một đứa có thể làm cho mẹ mở mày mở mặt
với thiên hạ, một đứa con thật là đích đáng.
Những chú bé mầm non mới nhú này đến châu Phi xích đạo để hiến
thịt xương cho các ông chủ, hiến máu, hiến cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân,
những kẻ hy sinh vì hai mươi hai quan một ngày
(lại còn bị khấu trừ
nhiều khoản), thỏa mãn, dù thế nào cũng cứ thỏa mãn, cho đến lúc cái hồng
cầu cuối cùng bị con muỗi thứ một vạn hút nốt.
Xứ thuộc địa sẽ làm cho các chú bé ấy phổng phao lên hay teo tóp đi,
nhưng nó kìm giữ các chú lại. Chỉ có hai con đường đi tới kiệt sức dưới ánh
mặt trời, con đường béo tốt hay con đường gầy ốm. Không có con đường
nào khác. Tha hồ chọn, nhưng còn tùy thể tạng của anh, béo lên hay chỉ còn
da bọc xương.