của Tandernot, mà người da đen thì len lỏi đường mòn trong rừng để đỡ
được đồng thuế nào hay đồng đó, mà xét cho cùng những con đường của
ban Quản trị cũng chẳng đưa Tandernot đến đâu, thế là chỉ tháng trước
tháng sau các con đường ấy biến tất dưới những đám cỏ dại mọc rất mau.
- Năm ngoái tớ mất đứt 122km đường! bậc tiên phong siêu phàm ấy
vui vẻ kể với chúng tôi về những con đường của hắn. Các cậu tin hay
không là tùy!...
Trong những ngày ở đây, chỉ có một lần tôi thấy hắn ta khoác lác, theo
kiểu khoe khoang khiêm nhường của Tandernot. Đó là hắn vỗ ngực tự cho
mình là người Âu duy nhất sống trong cái nóng 44 độ trong bóng râm mà
chỉ bị xổ mũi... Món độc đáo này an ủi hắn ta qua mọi sự... “Tớ đang còn
xổ mũi như một con bò cái đây! Hắn vênh mặt lên cho chúng tôi biết điều
đó trong lúc uống khai vị với nhau. Chỉ có tớ mới được thế thôi chứ! - Tay
Tandernot này dù sao cũng ra trò đấy!” các thành viên trong cái nhóm
nghèo kiết chúng tôi reo leo. Thôi thì thỏa mãn được thế là tốt rồi, còn hơn
không. Đã là khoe khoang thì có gì khoe nấy, còn hơn chẳng có gì để mà
khoe.
Một trong những trò tiêu khiển khác của cái nhóm lương còm của
Công ty Pordurière này là bầy trò thi sốt rét. Chẳng khó khăn gì nhưng phải
đua nhau trong nhiều ngày, mất khá nhiều thì giờ. Tối tối là lúc cơn sốt đến,
hầu như chuyện thường ngày, mọi người đo nhiệt độ của mình. “Xem này,
tớ được ba mươi chín!... - Này cậu ơi, đừng vội, tớ những bốn mươi cơ!”
Những kết quả ấy hoàn toàn chính xác và hợp cách. Dưới ánh đèn
măng sông, các cặp mạch được mang ra so. Kẻ thắng cuộc vừa reo mừng
vừa run lẩy bẩy. Cái cậu hốc hác nhất đám thú thật: “Tớ đổ mồ hôi đến
không còn đái ra được nữa!” Đó là một cậu đồng sự gầy gò, người Ariège
, vô địch về sốt rét, cậu ta tâm sự với tôi rằng sang đây là để tránh khỏi
phải đi học trường dòng ở quê nhà, vì ở đó “không được tự do cho lắm”.
Nhưng thời gian trôi qua mà chẳng cậu nào có thể nói cho tôi biết xem cái
tay tôi sắp đến thay ở Bikomimbo thuộc hạng người gì.
“Một tay kỳ cục đấy!” họ chỉ cảnh báo cho tôi thế thôi.