Người da đen ấy hình như chưa bao giờ thấy một cửa hiệu, có lẽ cũng
chưa bao giờ thấy người da trắng. Một trong những người vợ của anh ta
bước theo sau, mắt nhìn xuống, trên đỉnh đầu đội một sọt tướng đầy cao su
thô.
Mấy tay thương lái hống hách giằng lấy cái sọt ném lên bàn cân. Con
người hoang dã kia làm sao biết cho được cái cân ấy gian manh thế nào.
Người vợ vẫn chưa dám ngẩng đầu lên. Những người da đen khác cùng gia
đình đứng chờ ở ngoài, giương mắt nhìn thô lố. Họ gọi nhau vào tất, cả trẻ
con người lớn vào tuốt, để khỏi bỏ lỡ cảnh tượng này.
Đây là lần đầu tiên họ kéo nhau từ trong rừng ra gặp người da trắng ở
thành phố. Từ rất lâu rồi, cả nhà họ phải bỏ công sức ra để hứng được chỗ
mủ cao su ấy. Thế cho nên ai cũng chăm chăm chờ xem kết quả. Chờ đợi
cho mủ cao su giỏ giọt xuống đầy những chiếc chén con buộc dưới thân
cây là mất nhiều công lắm. Thường khi, hai tháng trời mà không được đầy
lấy một chén con con.
Cân xong, cậu chàng gãi ghẻ của chúng ta dẫn người cha, sửng sốt,
đến sau chiếc quầy với một cây bút chì tính toán một hồi rồi đặt vào lòng
bàn tay anh da đen mấy đồng tiền bằng bạc, bảo: “Thôi cút! Tiền trả rồi đấy
nhé!...”
Tất cả đám bạn nhỏ da trắng rũ ra cười, như thể chính chúng nó vừa
trúng quả. Anh da đen chôn chân tiu nghỉu trước quầy với cái quần xà lỏn
bé teo quấn quanh hạ bộ.
“Thế nào, mày chưa biết đồng tiền ra sao à? Thằng mọi!” Một trong
những tay thương lái tháo vát và thạo nghề của chúng ta can thiệp vào như
để đánh thức anh da đen. Bọn họ chắc chắn là đã được rèn luyện cho những
vụ mua bán ăn người này. “Mày không nói được francé
sao mày? Mày
là con bú rù à?... Sao không nói gì thế? Kous Kous? Mabillia? Mày là thằng
ngốc! Bushman! Thằng đại ngốc!”
Trước mắt chúng tôi vẫn là người hoang dã nắm trong tay những đồng
tiền. Nếu dám thì anh ta rất có thể đã đi thoát nhưng anh ta lại không dám.