Trong nhiều tháng tôi phải chạy vạy vay mượn nơi này nơi nọ. Người
trong khu phố của tôi nghèo và đa nghi đến nỗi họ phải chờ đêm tối mới
dám mời tôi đến, tuy rằng tôi là một anh thầy thuốc lấy giá rẻ. Đêm này
sang đêm khác, tôi cứ phải băng qua những cái sân nhỏ không ánh trăng
sao để kiếm lấy mươi mười lăm quan.
Buổi sáng, đường phố biến thành một cái trống lớn bập bùng tiếng đập
bụi thảm.
Sáng hôm đó, tôi gặp Bébert trên hè phố, nó đứng coi túp lều cho cô
nó chạy ra ngoài có việc. Thằng nhỏ Bébert cũng thế, cũng khua bụi lầm
trên hè với chiếc chổi.
Ai mà không khua bụi ở những chốn này vào lúc bảy giờ, thì bị coi
như một con lợn kỳ quái ở cái đường phố sạch sẽ của mình. Những chiếc
thảm được giũ đập là dấu hiệu của sự sạch sẽ, của một nếp nhà được giữ
gìn. Thế là đủ. Dù mồm miệng có hôi xì thì người ta vẫn yên tâm sau công
việc ấy. Bébert hít vào tất cả chỗ nó tung ra và cả những bụi bậm từ trên
các tầng gác bay xuống. Cũng có một vài điểm sáng mặt trời trên vỉa hè
nhưng chỉ nhợt nhạt, thần bí như bên trong nhà thờ.
Bébert đã thấy tôi đi đến. Tôi là thầy thuốc ở góc phố, nơi đỗ xe buýt.
Thằng bé có nước da xanh xanh như quả táo không bao giờ chín. Nó gãi, và
trông nó gãi tôi cũng thấy mình ngứa ran lên. Có lẽ những con rận trên
người các bệnh nhân bò sang mình lúc đêm cũng nên. Rận dễ dàng nhảy
sang áo khoác của anh vì đó là nơi vừa ấm lại vừa ẩm hợp với chúng.
Người ta đã dạy thế ngay trong trường rồi.
Bébert buông tấm thảm xuống, chào tôi. Trên tất cả các cửa sổ người
ta đứng nhìn chúng tôi trò chuyện với nhau.
Chừng nào phải chọn cái gì để mà yêu thích, thì với trẻ con ta ít gặp
bất trắc hơn là với người lớn, ít nhất còn có lý do để hy vọng rằng sau này
các cháu không đến nỗi tồi như chúng ta. Người ta không hiểu được.
Trên khuôn mặt tái nhợt nhảy nhót nụ cười vô tận của một sự trìu mến
trong trắng mà tôi không bao giờ quên được. Một niềm vui vì mọi người.
Qua tuổi hai mươi ít ai còn giữ được tí chút cái trìu mến dễ dãi ấy, cái
trìu mến của những con vật nhỏ. Thiên hạ không như người ta tưởng đâu!