đâu tớ cũng thiếu cái này hay thừa cái khác... Tất cả những cái ấy cho tớ
thấy rằng mình chỉ là một thứ vật độn vô giá trị... Chà, phải chi tớ có được
đồng tiền!... Mọi người có lẽ sẽ thấy tớ thật là tử tế, ở đây... ở dí... và ở
khắp nơi khắp chốn... Ngay cả ở bên Mỹ nữa... Tớ nói thế không đúng à?
Còn cậu nữa? Chúng mình thiếu một ngôi nhà cho sáu người thuê được giá
để kiếm lời...
-Thực tế đúng là thế, tôi trả lời.
Thật đáng ngạc nhiên là một mình hắn mà đi đến được kết luận trọng
đại ấy. Thế là hắn nhìn tôi với con mắt thật kỳ cục, như hắn bỗng phát hiện
ra ở tôi một bộ mặt lạ lùng ghê tởm.
-Này cậu, khi nào tớ nhớ đến hồi ấy, là tớ nghĩ ngay đến cái thế thuận
lợi của cậu. Cậu đem toàn chuyện phịa ra bán rao cho lũ ngu si, rồi có ra
sao thì cậu cóc cần biết... Cậu không bị ai kiểm soát cả... Cậu đến, cậu đi
lúc nào là tùy ý, tóm lại là cậu được tự do... Cậu mang cái vỏ một con
người tử tế nhưng bụng cậu chứa đầy dao găm!...
-Robinson ơi, cậu bất công đấy!
-Này cậu, vậy thì cậu thấy ở tớ cái gì nào?
Cậu ta khăng khăng bám lấy ý định quẳng cái nghề dính với a-xít ấy
cho người khác...
Chúng tôi lại đi theo những đường phố nhỏ cạnh đó. Về chiều, ta vẫn
tưởng Rancy còn là một ngôi làng. Cửa các vườn rau hé mở. Cái sân lớn đã
trống vắng. Cái cũi chó cũng thế. Đã lâu rồi, cũng một buổi tối như hôm
nay, những người nông dân ở đây phải bỏ cửa bỏ nhà ra đi, họ bị xua đuổi
vì thành phố Paris lấn ra. Hồi ấy chỉ còn lại vài cái quầy bán lẻ, chẳng bán
chác gì được cho ai, mốc meo và bỏ mặc cho các dây đỗ ẻo lả mọc lên vắt
qua những bức tường thấp tè nhem nhuốc với những tờ quảng cáo. Cái bừa
quẳng giữa hai máng nước không còn han gỉ hơn được nữa. Một cái quá
khứ không còn động được lòng ai. Nó một mình trôi. Những người ở thuê
nơi này, chiều chiều bò được về đến nhà là đã mệt bã ra còn hơi sức đâu mà
động lòng đến cái gì. Họ chỉ còn việc đơn giản là từng cặp đưa nhau đến
chen chúc trong những gì còn lại của các căn phòng công cộng để uống với
nhau. Trên trần nhà vẫn còn ám những vòng khói đèn treo cũ. Cả khu phố