Nỗi mệt nhọc lớn trong cuộc sống có lẽ chỉ là sự bất hạnh quá đáng
mà người ta tự khoác vào mình để được sống lấy hai mươi năm, bốn mươi
năm, hay hơn nữa, một cách vừa phải, để mình không chỉ đơn giản, sâu sắc
là mình, tức là nhơ nhớp, tàn bạo, phi lý. Ôm cơn ác mộng là cứ phải luôn
luôn tỏ ra như một lý tưởng phổ biến nhỏ bé, một siêu nhân từ sáng đến tối,
một kẻ đê tiện đi cà nhắc mà người ta đã nặn ra cho chúng ta.
Các bệnh nhân chúng tôi có tại nhà thương, thuộc đủ mọi giá, những
người phong lưu nhất thì được ở những phòng trần thiết theo kiểu vua
Louis XV. Đối với những bệnh nhân này, lão Baryton hàng ngày đến thăm
với giá cao. Họ chờ đợi lão. Đôi khi họ cho Baryton hai cái tát ra trò, nói
trắng ra là kinh khủng, và đã có chủ ý từ lâu. Lập tức lão ghi tên bệnh nhân
này vào loại điều trị đặc biệt.
Tại bàn ăn, Parapine tỏ ra dè dặt ý tứ, không phải những kết quả hùng
biện của tôi đối với Baryton đã làm cho ông phật lòng, không hề như vậy
mà ngược lại, ông hình như không còn có gì lo lắng, như cái thời bấn bíu
với những con vi trùng, ông hầu như thỏa mãn. Cũng phải ghi nhận thêm là
ông còn lo sợ chuyện quan hệ của ông với mấy đứa con gái vị thành niên.
Ông vẫn còn ít nhiều bối rối về chuyện tình dục. Vào những lúc rỗi rãi, ông
cũng lảng vảng quanh các bãi cỏ trong viện, như một người bệnh, và khi
thấy tôi đến gần, ông hé nở vài nụ cười, nhưng là những nụ cười gượng
gạo, mờ nhạt, có thể coi như những nụ cười ly biệt.
Thu nhận cả hai chúng tôi làm nhân viên kỹ thuật, Baryton như được
món hời vì chúng tôi chẳng những tận tụy trong công việc từng giờ mà cả
trong những lúc giải trí, lại còn những vang bóng của các chuyến đi mà lão
thèm muốn nhưng không được thỏa lòng. Cho nên lão thường vui mừng
chứng tỏ cho chúng tôi thấy sự hài lòng của lão. Tuy vậy, đối với Parapine
lão vẫn giữ một vài dè dặt.
Lão chưa bao giờ hoàn toàn thoải mái với Parapine. Một hôm lão tâm
sự với tôi: “Này, Ferdinand, anh có biết không, Parapine là người Nga
đấy!” Là người Nga, đối với Baryton, có nghĩa là cái gì đó cũng có thể mô
tả, không nể nang, theo hình thái học, như là một “anh bị bệnh đái đường”
hay một “anh Pháp giả cầy”. Lao vào cái đề tài đã quấy rối tâm linh lão từ