Luôn luôn có thêm những chiến binh bị nghi ngờ khác từ mọi binh
chủng được đưa đến đây. Có những tay rất trẻ nhưng cũng khá nhiều tay đã
đứng tuổi. Họ đến với tâm trạng khiếp sợ hay huênh hoang khoác lác. Hàng
tuần cứ vào ngày thứ năm, bố mẹ, vợ con họ đến thăm với những cặp mắt
nhớn nhác. Cả cái đám người ấy khóc than sướt mướt trong gian phòng gọi
là phòng khách, nhất là vào lúc chiều tàn. Cái bất lực của thế giới đối với
chiến tranh được thể hiện bằng tiếng khóc nức nở ở nơi đây, khi giờ thăm
đã hết, những người vợ và đàn trẻ nhỏ lê bước trong cái hành lang nhợt
nhạt ánh lửa ga. Họ họp thành một bầy đàn lớn những kẻ khóc than, chỉ có
thế thôi, thật là chán ngấy.
Đối với Lola, việc đến thăm tôi tại cái thứ nhà tù như thế này quả là
một cuộc mạo hiểm. Cả hai chúng tôi không ai khóc. Chúng tôi lấy đâu
nước mắt mà khóc.
Một hôm thứ năm, Lola hỏi tôi:
-Ferdinand này, có đúng là anh bị điên thật rồi không?
-Tôi thế đấy! tôi thú thật.
-Vậy thì người ta chữa bệnh cho anh ở đây chứ?
-Người ta không chữa được khiếp sợ đâu, Lola ơi.
-Anh sợ đến thế cơ à?
-Còn hơn thế ấy chứ, Lola. Cô biết không, sợ cho cả sau này, tôi có
chết thì cũng muốn người ta đừng đốt xác tôi! Tôi muốn rằng người ta cứ
kệ cho tôi nằm dưới đất, tan rữa trong bãi tha ma, để yên đó, có thể sẵn
sàng sống lại... Biết đâu được! Còn như để người ta đốt tôi ra tro, thì Lola
ơi, cô có biết không, sẽ là hết, hết nhẵn... Một bộ xương, dẫu thế nào, cũng
còn có hơi giống con người... Như thế thì luôn luôn sẵn sàng sống lại được
hơn là đã thành tro. Đã ra tro là hết cả!... Cô bảo sao nào? Vậy đấy, chiến
tranh là thế, phải không?
-Trời! Vậy ra anh thật là một kẻ đớn hèn, Ferdinand! Anh tởm lợm
như một con chuột cống.
-Phải, tôi đớn hèn thật đấy, Lola ạ, tôi chối từ cuộc chiến tranh này và
tất cả những gì nó chứa đựng... Tôi không thương hại nó đâu... Tôi không
cam chịu đâu... Tôi cũng chẳng khóc than vì nó... Tôi thẳng thừng chối từ