chưa nơi nào thực hiện được. Vì đã có rất nhiều nỗ lực vượt cộng-sản
(dépassement) (vượt theo nghĩa của Hegel, chứ không phải chống) nhưng
chỉ mới ở bình diện nhận thức, chưa chuyển sang thành vận động lịch sử.
Do đó, trong khi chưa có một cuộc vận động lịch sử vượt cộng-sản - hoặc
do những người không cộng-sản, hay do chính những người cộng-sản làm -
mọi phê bình ở ngoài cộng-sản đều có vẻ vô nghiệm. Cộng-sản vẫn tiến
và không vì phê bình mà chịu lùi bước. Cho dù phê bình đó biến thành
hành động chống đối, nhưng nếu chỉ là một chống đối tiêu cực, chống cộng
như chống một hậu quả, thì cũng là vô nghiệm; càng vô nghiệm hơn nữa,
nếu lại chống cộng bằng cách làm cho trầm trọng thêm những nguyên nhân
đưa đến cộng-sản. Cộng-sản không phải là một vấn đề, nhưng xuất hiện
như một giải pháp cho một sự kiện lịch sử khách quan. Đó là sự áp bức
chính trị, tình trạng bất công xã hội do chế độ tư bản, đế quốc, thực dân
phong kiến đề ra. Chủ nghĩa Mác không phải tự nhiên từ trên trời rơi
xuống, nhưng xuất phát từ những hoàn cảnh văn hóa, chính trị xã hội nhất
định vào thế kỷ XIX ở nước Đức. Mác cũng không bịa ra chế độ tư bản đế
quốc. Do đó thật là lầm lẫn nếu chỉ nhằm chống cộng như một hậu quả của
những đòi hỏi lịch sử trên, càng nhầm lẫn hơn nếu chống cộng bằng cách
làm cho những nguyên nhân gây nên hậu quả (bất công xã hội, bóc lột kinh
tế .v.v…) trở nên trầm trọng
Một vài nhận xét trên cho thấy: không thể tìm hiểu chủ nghĩa Mác với
một thái độ vô tư, khách quan. Vì người nghiên cứu ở trong cuộc vận động
lịch sử còn đang tiến diễn của chủ nghĩa đó. Do đó bó buộc phải lựa chọn
và xác định lập trường, không những về nhận thức mà cả thực tiễn tranh
đấu nữa.
*