dân Đức" nhằm ủng hộ báo chí tiến bộ. Bị giải tán năm 1833, tổ chức được
thành lập lại năm 1834 dưới hình thức một hội kín: "Liên đoàn Đức những
người bị lưu đày" (Ligue allemande des Proscrits), nhằm tranh đấu cho một
nước Đức tự do dân chủ phù hợp với những nguyên tắc của hiến chương
nhân quyền. Nhưng ngay từ lúc đầu, Liên đoàn đã chia ra làm hai khuynh
hướng, dân chủ tự do và xã hội chủ nghĩa, và cuối cùng phải tách ra thành
hai tổ chức. Khuynh hướng xã hội gồm những thành phần lao động không
thể thỏa mãn với những đòi hỏi chính trị, trừu tượng như dân chủ tự do mà
không kèm theo một thay đổi xã hội xóa bỏ bất công, ưu đãi, đã bày tỏ
nguyện vọng của mình qua tiếng nói của T.Schuster, cựu giáo sư đại học
Gottingen trong tờ "Người lưu đày" nội san của liên đoàn: "Nếu một phần
công dân nghèo đói, còn một phần giàu được ăn học mà lại xấu, thì tất cả
những luật lệ của thế giới không thể ngăn cản được sự kiện lớp người thứ
nhất trở thành nô lệ và lớp người thứ hai đầy đủ mọi thế lực: Từng triệu
bạc trong tay một người và tự do cho tất cả là những điều kiện không thể
dung hòa được, chẳng khác gì không thể dung hòa được Bảo hoàng và Dân
chủ... Để dân chúng tiến lên ánh sáng, một cuộc cách mạng tương lai phải
lật đổ không phải ông vua mà là chế độ quân chủ. Chế độ này không phải
chỉ được cấu tạo bằng những huy hiệu, triều thiên mà là bằng những ưu
đãi và ưu đãi lớn nhất là của cải giàu có".
Schuster và một nhóm đồng chí khác tách khỏi liên đoàn, thành lập năm
1836 "Liên đoàn những người công chính" (Ligue des Justes) : theo khuynh
hướng cộng sản gồm đa số thợ thuyền và một thiểu số trí thức. Liên đoàn
vừa bắt liên lạc với "Hội nhân quyền" vừa bí mật liên lạc với các nhà cách
mạng Đức lẩn trốn ở Thụy sĩ, Anh. Năm 1839 Liên đoàn bị liên can vào
những cuộc vùng dậy do hội nhân quyền tổ chức. Do đó một phần hội viên
phải di cư sang Anh. Chính những phần tử này về sau sẽ cùng Marx,
Engels thành lập "Liên đoàn những người cộng sản".
Sở dĩ những phong trào cách mạng trên lần lượt bị đàn áp, phân tán là vì
chưa được một tầng lớp đông đảo, có ý thức tranh đấu và có tổ chức chặt
chẽ nâng đỡ, ủng hộ. Những chính quyền phản động, bảo thủ tương đối còn
mạnh, nhất là cảm thấy cùng đứng trước một nguy cơ chung, họ đoàn kết