Nguyễn Văn Trung
Hành Trình Trí Thức Của Karl Marx
MỘT NGƯỜI BẠN
Trong đời Mác gặp nhiều đồng chí, nhưng không ai là bạn thân thiết và
nhất là trung thành cho đến cùng hơn cả bằng Engels. Từ khi gặp nhau cho
đến lúc nhắm mắt, trong những cơn thử thách sóng gió của tranh đấu cách
mạng cũng như trong những giờ phút thất bại, lưu đày cùng cực đói khổ,
hai người không bao giờ bỏ nhau. Engels không những là người độc nhất
có thể nâng đỡ gia đình Mác trong những ngày túng bấn ở Luân đôn mà
còn là người bạn cộng tác chặt chẽ với Mác trong công trình xây dựng chủ
nghĩa Mác. Có những tác phẩm hai người viết chung, hoặc do một người
viết nhưng ý tưởng là chung, đến nỗi đôi khi không còn biết đó là ý kiến
của ai.
Một tình bạn tranh đấu gần 40 năm trời! Người ta có thể tìm hiểu nguồn
gốc và sự hình thành chủ nghĩa Mác qua thư từ trao đổi giữa hai người gồm
9 tập, mỗi tập gần 300 trang.
Engels sinh ngày 28-11-1820 ở Barmen,
thuộc một gia đình trưởng giả, làm chủ một xưởng thợ. Khác hẳn với Mác,
Engels đã sinh ra, lớn lên giữa lòng chế độ tư bản đang thành hình, do đó
Engels được mục kích hàng ngày tình cảnh lầm than trong nếp sống và làm
ăn của giới thợ thuyền: người lớn, trẻ con, đàn bà phải làm đến 15, 16 giờ
một ngày trong những gian phòng chật chội, khói, bụi, mà vẫn đói khổ, ho
lao bệnh tật.
Điều đó làm cho Engels sớm giác ngộ, có ý thức xã hội và cũng vì thế trở
thành xa lạ, đối nghịch với tất cả những nếp sống, quan niệm của gia đình,
của tầng lớp trưởng giả. Nhưng cũng khác với Mác, Engels phải nỗ lực rất
nhiều mới vượt được những khủng hoảng tinh thần vì không được may
mắn có một ông bố cởi mở, tự do lãnh đạm trước tôn giáo như Mác.
Cho nên Engels phải vất vả lắm mới tới được thái độ vô thần. Lúc 16 tuổi,
Engels còn nhiệt thành tin tưởng và băn khoăn lo sợ trước những cám dỗ có
thể làm cho đức tin nguội lạnh. Engels đã để lại những bài thơ phản ảnh
niềm tin của một tín đồ tôn giáo chân thành thời niên thiếu, chẳng hạn lời