thơ cầu nguyện sau đây:
Lạy Chúa Giêsu, con Thiên chúa,
Xin hãy xuống khỏi ngai vàng.
Để đến cứu rỗi hồn con.
Xin hãy đến mang theo nhiều chúc phúc.
Với mọi vẻ huy hoàng rực rỡ.
Để làm cho con chỉ biết chọn Chúa!
Lạy Chúa! Thật sung sướng, vinh quang biết bao, được ca tụng chúa trên
Trời!
Nhưng, một đàng nhận thấy sự ly dị giữa thái độ đạo đức, và sự bất nhẫn,
ích kỷ trước cảnh lầm than ở nơi gia đình, họ hàng, một đàng được đọc các
tác phẩm phê phán tôn giáo, đặc biệt cuốn “Đời Giêsu” của F. Strauss,
Engels dần dần giác ngộ, cảm thấy tôn giáo chỉ là giả hình lừa bịp, đồng
thời cũng dựa trên những mâu thuẫn mà Strauss đã vạch ra. Engels làm
quen với nhóm đồ đệ “Hegel thiên tả” và liên lạc với nhóm biên tập tờ
Rheinische Zeitung ở Cologne. Engels trên đường sang Anh ghé qua
Cologne và gặp Mác lần đầu tiên, lúc đó đang phụ trách tờ báo kể trên.
Cuộc gặp gỡ sơ khởi chưa nối kết hai người vì chưa đủ hiểu nhau nhưng
Engels cũng hứa sẽ cộng tác với tờ báo. Sang đến Anh 1842 để coi sóc một
xưởng thợ cho cha, ở Manchester vì cha muốn cho Engels thành một nhà
buôn, nếu không chịu sẽ bị đuổi khỏi gia đình, Engels được dịp nghiên cứu
tại chỗ những vấn đề kinh tế, thợ thuyền. Cũng như Mác, Engels đi từ
khuynh hướng Hegel thiên tả, qua triết học phê bình tôn giáo của
Feuerbach, đến kinh tế học và cộng sản chủ nghĩa như phương tiện hiệu
nghiệm hơn cả để thực hiện cách mạng xã hội. Cuối năm 1844, Engels về
Đức, ghé qua Paris và gặp Mác lần thứ hai. Trong mười hôm ở chung với
nhau, hai người tìm hiểu nhau và đi tới chỗ thoả thuận hoàn toàn về quan
niệm lý thuyết cách mạng cũng như phương thức làm cách mạng. Trước
khi tạm biệt, hai người dự thảo một chương trình làm việc chung. Việc đầu
tiên là dứt khoát lập trường với Bruno Bauer. Hai người cùng soạn chung
một biên khảo chống Bauer dưới nhan đề “Thánh Gia” (La Sainte Famille)
chỉ ba anh em Bauer hay “Phê bình bài Phê bình phê bình”.