không xóa bỏ được vô sản, vô sản không thể được xóa bỏ nếu không thực
hiện được triết học”.
Sứ mệnh lịch sử của vô sản, như một tầng lớp chịu đựng mọi bóc lột áp
bức, là chấm dứt tình cảnh bóc lột, chấm dứt tình cảnh bóc lột là chấm dứt
chế độ quyền tư hữu; chấm dứt chế độ quyền tư hữu là chấm dứt xã hội giai
cấp đã đẻ ra giai cấp vô sản; không phải để đưa giai cấp vô sản lên thành
giai cấp phổ biến, nhưng là để tiêu diệt mọi giai cấp…
“Vô sản thực hành bản án mà chế độ tư hữu đã tự buộc mình khi tạo ra vô
sản, đồng thời vô sản cũng thực hành bản án mà vô sản đã tự buộc mình
khi tạo ra sự giàu có cho người khác và sự lầm than cho chính mình. Sau
thắng lợi, vô sản không tự tôn thành giai cấp phổ biến của xã hội, vì nó đã
chỉ thắng lợi bằng cách tự tiêu diệt và tiêu diệt giai cấp đối lập. Trong
trường hợp đó, vô sản sẽ biến mất với chế độ tư hữu mà nó là sản phẩm”.
Trong công cuộc giải phóng con người, phải gạt bỏ tôn giáo vì tôn giáo là
phản ảnh vong thân, là thuốc phiện ru ngủ những kẻ lầm than trong những
ước mơ chỉ là ảo tưởng.
“Nền tảng của phê bình tôn giáo là như sau: con người làm ra tôn giáo;
không phải tôn giáo làm ra con người”.
“Lầm than tôn giáo, một đàng là biểu lộ của lầm than đích thực, đàng khác
cũng là sự phản kháng chống lại lầm than đích thực”.
Nhưng phê bình tôn giáo mà lại dùng những khái niệm tôn giáo thì cũng
vẫn ở trong tôn giáo (trường hợp Luther) hay dùng những khái niệm tâm lý,
xã hội triết lý (trường hợp Feuerbach, Bauer…) nhằm đả phá tôn giáo cũng
vô ích vì không đả động đến những điều kiện đã đẻ ra tôn giáo.
Nhận định về Tin lành (như một phê bình công giáo La Mã), Mác viết:
“Luther đã thắng sự nô lệ dựa vào lòng sùng kính nhưng chỉ để thay thế sự
nô lệ dựa vào sùng kính bằng nô lệ dựa vào niềm tin. Ông ta đã bẻ gãy
lòng tin vào quyền bính, vì đã thiết lập quyền bính dựa vào lòng tin. Ông
đã cải tạo những linh mục thành giáo dân vì đã biến những giáo dân thành
linh mục. Ông đã giải thoát con người khỏi cái vẻ đạo đức bề ngoài, vì đã
coi đạo đức là yếu tính của con người. Ông đã làm rơi những xiềng xích
buộc trói thân xác vì đã xiềng xích hóa được tâm hồn rồi”.