tôi và là người duy nhất cùng chơi đùa với tôi, do vậy tôi quý yêu em như
đứa em gái ruột của mình. Lúc đó bác sĩ Stanislaw luôn túc trực và ba ngày
liền không rời khỏi căn phòng của cô bé. Ông lão, người yêu Hania bằng cả
tấm lòng, trong thời gian bé ốm, cứ đi đi lại lại vô hồn, không ăn, không
ngủ; chỉ ngồi bên cánh cửa căn phòng của cô bé, bởi lẽ không ai có quyền
đến cạnh giường của bé, ngoài mẹ tôi. Lão ngậm nỗi đắng cay nặng nề,
lạnh cứng trong lòng, đôi lúc ngực như muốn nổ tung ra. Đó là một trái tim
được tôi luyện dạn dày qua những nỗi nhọc nhằn cả về thể xác lẫn sự bất
hạnh của tâm hồn, thế mà gần như kiệt sức và sắp sửa quỵ ngã trước cơn
tuyệt vọng khi ngồi bên giường một đứa cháu gái nhỏ nhoi bệnh tật. Cuối
cùng, sau nhiều ngày ảm đạm đầy chết chóc, bác sĩ Stanislaw nhẹ nhàng
mở hé cánh cửa căn phòng người bệnh và với niềm hân hoan hạnh phúc
ánh lên khuôn mặt, khẽ khàng nói với những người đang chờ bản án của
thần chết bên ngoài căn phòng một câu gọn lỏn: "Cứu được rồi".
Ông già không thể kiềm chế được, khóc òa lên như chú hải li và cúi
gập mình sát chân bác sĩ, lắp ba lắp bắp mãi một câu: "Người làm phúc của
tôi ơi, người làm phúc ơi!"
Hania quả thật đã nhanh chóng khỏi bệnh và khỏe lại, và dĩ nhiên bác
sĩ Stanislaw đã trở thành thần tượng trong đầu ông già.
— Một con người có đầu óc. - Lão nhắc đi nhắc lại, tay vân vê bộ ria
mép lốm đốm bạc của mình. - Một người có đầu óc. Và biết cưỡi ngựa rất
cừ khôi. Giá mà không có ông ấy thì bé Hania đã... Ôi, thậm chí không
muốn nhắc đến điều đó nữa. Thật là chó đẻ!
Song khoảng một năm sau, kể từ sự kiện vừa nhắc tới, chính lão bị
mắc bệnh. Dáng thẳng đuỗn và mạnh mẽ của lão bây giờ còng xuống. Lão
già yếu hẳn đi, thôi không càu nhàu và nói khoác nữa. Cuối cùng, gần bước
sang tuổi chín mươi, lão trở lại thời kì con nít. Lão chỉ thích làm bẫy chim
và cất giấu chúng rất nhiều, đặc biệt là bẫy chim sơn tước, giấu trong căn
phòng ở dãy nhà ngang của mình. Mấy ngày trước khi mất, lão không phân
biệt được ai vào ai. Nhưng chính vào ngày cuối cùng, ngọn đèn cạn dầu
bỗng bừng lên ánh sáng long lanh soi rọi trí não của lão. Tôi nhớ dạo đó, vì
sức khỏe mẹ tôi, cả hai ông bà thân sinh tôi đều ra nước ngoài nghỉ dưỡng.