nghĩ tới câu hỏi như vậy bao giờ. Vào lúc đó ở Trung Quốc, không có khái
niệm về bệnh tâm lý, chỉ có bệnh về thể xác.
Cuộc gọi thứ hai là cho cảnh sát trưởng Mai. Tôi nói với ông Hoa Nhi là
người Nhật và hỏi liệu cô có thể được chuyển tới một trong các nhà tù dành
cho người ngoại quốc nơi điều kiện tốt hơn không. Ông ngừng một lúc, rồi
đáp, “Hân Nhiên, cho đến khi nào chuyện Hoa Nhi là người Nhật được
quan tâm thì im lặng là vàng. Hiện giờ tội của cô ta là tội về quan hệ tình
dục bừa bãi và sống như vợ chồng ngoài trái phép; không nên để cô ta phải
ở lâu hơn quá thời hạn tù. Nếu người ta biết cô ấy là người Nhật cô ta sẽ bị
buộc tội có động cơ chính trị cho những hành động của mình và như thế
còn tệ hơn.”
Những ai từng sống qua thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa đều nhớ những
người phụ nữ phạm vào tội có quần áo ngoại quốc hay thói quen của người
nước ngoài đều bị đấu tố công khai. Tóc của họ bị xén thành đủ kiểu kỳ
quặc làm trò cười cho Hồng Vệ Binh. Mặt họ bị bôi nhem nhuốc bằng son;
giày cao gót bị buộc vào nhau thắt quanh người họ; những mẩu vỡ đủ kiểu
của hàng ngoại bị treo lủng lẳng vào quần áo của họ xiên xẹo trông kỳ dị.
Hết lần này tới lần khác, những người phụ nữ đó phải thuật lại từng chi tiết
việc họ đã có những sản phẩm ngoại quốc đó như thế nào. Tôi mới chỉ bảy
tuổi khi lần đầu tiên chứng kiến những gì những phụ nữ đó phải trải qua:
diễu hành qua các đường phố để bị chế nhạo; tôi nhớ lúc đó mình đã nghĩ
nếu có kiếp sau thì mình không muốn sinh ra làm đàn bà nữa.
Nhiều người trong số họ trước đó đã cùng chồng trở về quê cha đất tổ để
cống hiến cuộc đời mình cho cách mạng và sự nghiệp xây dựng đất nước
Trung Hoa mới. Trở lại Trung Quốc, họ phải xoay sở để làm việc nhà bằng
các thiết bị gia dụng sơ sài nhất, nhưng điều đó chẳng là gì so với việc phải
triệt bỏ những thói quen và quan điểm thoải mái mà họ đã quen từ tấm bé ở
nước ngoài. Mọi lời lẽ và hành động đều bị phán xét từ góc độ chính trị; họ
phải chịu chung cảnh ngộ bị ngược đãi của chồng họ vì bị quy là gián điệp
và thẩm thấu cách mạng rồi lại cách mạng vì sở hữu những vật dụng của
phụ nữ có xuất xứ từ nước ngoài.