với họ suốt thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Những chương sách đó thấm đẫm
nước mắt và không thể mở ra được. Những thế hệ sau này hay người bên
ngoài sẽ chỉ thấy phần đầu đề phai mờ. Khi người ta chứng kiến niềm vui
của các gia đình hay bạn bè tái hợp sau nhiều năm ly tán, ít ai dám hỏi
mình rằng những người ấy đã phải đương đầu với những ham muốn và nỗi
đau của họ ra sao suốt ngần ấy năm.
Đó thường là những đứa trẻ, đặc biệt là con gái, những người phải chịu
hậu quả của ham muốn tình dục bị cấm cản. Một cô gái lớn lên trong thời
kỳ Cách Mạng Văn Hóa bị vây quanh bởi sự ngu dốt, điên cuồng và trụy
lạc. Trường học và gia đình không thể và cũng bị cấm trang bị cho chúng
thậm chí những hiểu biết cơ bản nhất về giới tính. Chính nhiều bà mẹ và
giáo viên cũng mù tịt về những vấn đề này. Khi cơ thể dậy thì, các cô bé trở
thành con mồi của những vụ quấy rối tình dục hoặc cưỡng hiếp, những cô
gái như Hồng Tuyết, trải nghiệm duy nhất về khoái cảm thân xác là từ một
con ruồi; Hoa Nhi, bị cách mạng cưỡng bức; người phụ nữ trên máy trả lời
điện thoại bị Đảng sắp xếp hôn nhân; hay Thạch Lâm, người không bao giờ
biết được rằng mình đã lớn. Thủ phạm gây ra những chuyện đó là các giáo
viên, bạn bè, thậm chí cha hay anh họ, những kẻ đã mất kiểm soát đối với
phần con trong mình và hành xử theo một cách đồi bại và ích kỷ nhất mà
một người đàn ông có thể làm. Hy vọng của những cô gái đó bị phá hủy, và
khả năng được trải nghiệm những khoái cảm ái ân bị hủy diệt vĩnh viễn.
Nếu chúng ta có thể lắng nghe những cơn ác mộng của họ, chúng ta có thể
dành mười hay hai mươi năm lắng nghe những câu chuyện như vậy.
Giờ đã quá muộn để mang lại tuổi trẻ và hạnh phúc cho Hoa Nhi và
những người phụ nữ đã phải trải qua Cách Mạng Văn Hóa khác. Họ kéo
những bóng đen khủng khiếp của ký ức theo sau mình.
Tôi nhớ, một hôm trong văn phòng, Mạnh Tinh đã đọc to thư của một
thính giả yêu cầu một bài hát đặc biệt và nói, “Tôi không hiểu nổi. Tại sao
những người phụ nữ lớn tuổi này lại thích những bài hát cũ rích đó đến
vậy? Tại sao họ không nhìn quanh mình xem thế giới ngày nay ra sao? Họ
chuyển động quá chậm chạp so với thời đại.”