Bắt đầu cuộc phỏng vấn, Chu Đình nhắc đi nhắc lại với tôi vài lần rằng
đã lâu lắm rồi bà không nói về những cảm xúc thật của mình. Tôi nói rằng
tôi luôn hỏi phụ nữ về những câu chuyện thực của họ vì chân thực vốn dĩ là
nguồn sống của đàn bà. Bà nhìn tôi dò xét rồi đáp rằng sự thật chẳng bao
giờ là mốt cả.
Trong thời Cách Mạng Văn Hóa, mẹ Chu Đình, một giáo viên, bị Hồng
Vệ Binh bắt tham gia các buổi học chính trị. Cha bà được phép ở nhà: ông
bị u tuyến thượng thận và ốm đến mức hầu như không thể cầm nổi đũa.
Một Hồng Vệ Binh sau này kể lại rằng họ thấy ông không đáng phải bận
tâm. Mẹ của bà cuối cùng bị tù vài năm.
Từ năm lớp một, Chu Đình đã bị bắt nạt vì nguồn gốc gia đình. Có lúc
các bạn cùng lớp đánh bà thâm tím cả người, đôi khi chúng còn cắt vào
cánh tay bà rất tàn nhẫn, để lại những vết thương chảy máu. Nhưng nỗi đau
đớn vì những cuộc tấn công đó còn xa mới sánh nổi nỗi kinh hoàng khi bị
đám công nhân, các đội tuyên truyền và nhóm chính trị đóng tại trường học
nữa hỏi về mẹ, họ thường dứt tóc hoặc đập vào đầu bà khi bà im lặng. Bà
sợ bị thẩm tra đến mức cứ nhìn thấy một cái bóng nào đó in lên cửa sổ lớp
học là bà lại run lên.
Cuối Cách Mạng Văn Hóa, người ta tuyên bố mẹ Chu Đình vô tội và bị
buộc tội sai là thành phần phản cách mạng. Cả hai mẹ con đã phải chịu nỗi
khốn khổ không đáng suốt mười năm. Cha Chu Đình cũng không thoát:
vào giai đoạn sau của Cách Mạng Văn Hóa, Hồng Vệ Binh bao vây giường
bệnh của ông và đặt ra hàng loạt câu chất vấn cho tới khi ông chết.
“Ngay cả bây giờ, tôi vẫn thường giật mình tỉnh giấc bởi những cơn ác
mộng vì bị đánh đập hồi nhỏ,” Chu Đình nói.
“Ở trường, chuyện như của bà có hiếm không?” Tôi hỏi.
Nắng đổ vào phòng và Chu Đình kéo rèm che cho chúng tôi khỏi bị
chói.
“Ở trường, tôi tách khỏi mọi người; ít ra là tôi vẫn nhớ các bạn cùng lớp
luôn nói một cách hào hứng về chuyện đến trường đại học xem mẹ tôi bị
đấu tố, hoặc nghe trộm xem tôi bị đội chính trị thẩm vấn.”