“Và kể từ đó, trong cuộc sống bà tách khỏi mọi người vì nhiều lý do
khác nhau.”
“Đúng thế,” Chu Đình đáp. “Trước tiên là mẹ tôi, rồi những người đàn
ông xung quanh tôi khẳng định rằng mọi người luôn để ý đến tôi.”
“Về công việc hay cuộc sống riêng tư của bà?”
“Về cuộc sống riêng của tôi, phần lớn là vậy,” Bà đáp.
“Nhiều người nói rằng phụ nữ truyền thống thì không thể có những cảm
xúc hiện đại, và những người phụ nữ hiện đại thì không thể tiết hạnh hay
chung thủy. Bà có nói được mình đã chọn con đường nào trong hai con
đường đó không?”
Chu Đình xoay xoay những chiếc nhẫn. Tôi nhận thấy bà không đeo
nhẫn cưới.
“Về bản chất, tôi rất truyền thống, nhưng, như cô biết đấy, tôi bị buộc
phải từ bỏ cuộc hôn nhân của mình,” bà nói.
Tôi từng được mời đến một cuộc nói chuyện trong đó Chu Đình đưa ra
những đề xuất cho một chính sách về ly hôn, nhưng tôi chẳng biết gì về trải
nghiệm cá nhân của bà ngoài những thông tin đọc được trên báo.
“Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi - thực ra là chỉ có một cuộc hôn nhân
đó thôi - cũng giống như nhiều người khác ở đất nước Trung Quốc này.
Bạn bè giới thiệu tôi với người đàn ông sau này đã trở thành chồng tôi. Hồi
đó tôi ở Mã Yên Sơn còn anh ở Nam Kinh, vì vậy chúng tôi chỉ được gặp
nhau mỗi tuần một lần. Đó là khoảng thời gian yên bình: mẹ tôi đã được
thả; tôi có việc làm và một mối tình. Khi mọi người khuyên tôi dành thời
gian để sống và học tập kinh nghiệm trước khi quyết định một điều gì, tôi
cự lại, nghĩ rằng sự khuyên răn của họ quá giống với những lời của các
viên chức đội chính trị từng thẩm vấn tôi suốt thời Cách Mạng Văn Hóa.
Bạn trai tôi và tôi đang chuẩn bị kết hôn thì anh bị tai nạn lao động cụt hết
năm ngón bàn tay phải. Bạn bè và gia đình bảo tôi nên suy nghĩ kỹ về
chuyện kết hôn với anh; anh bị tàn tật và chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó
khăn. Để biện hộ, tôi kể lại những câu chuyện tình nổi tiếng từ thời cổ đại
đến hiện đại, cả của Trung Quốc lẫn nước ngoài, và bảo mọi người rằng,
Tình yêu là vô điều kiện, là hy sinh. Nếu yêu ai đó làm sao người ta có thể