Nhiều người ở khu dân cư đó nghe thấy tiếng ồn ào thì chạy ra khỏi nhà.
Họ đứng trơ mắt ra nhìn trong khi tôi bị chồng đuổi đánh còn ả nhân tình
thì gào lên chửi rủa. Cuối cùng công an cũng tới, lúc ấy thì tôi đã bầm dập,
nhưng tôi nghe thấy một bà già nói, “Mấy con chó vàng đó (chỉ công an)
thật nhiễu sự, cứ thích chõ mũi vào chuyên nhà người khác".
Ở bệnh viện, bác sĩ gắp ra khỏi người tôi hai mươi hai mảnh giằm tre.
Người y tá phẫn nộ trước chuyện xảy ra với tôi tới mức cô đã viết một lá
thư thuật lại chuyện đó gửi tới tờ báo của thành phố. Hai ngày sau một tấm
ảnh chụp tôi khắp người băng bó xuất hiện trên báo kèm theo bài báo về
vấn đề phụ nữ cần phải được tôn trọng. Nhiều người, tất nhiên hầu hết là
phụ nữ, tới thăm tôi ở bệnh viện, mang theo đường sữa hoa quả. Phải đến
vài tuần sau đó tôi mới đọc được bài báo ấy. Tôi bị mô tả nhầm thành một
người vợ bị bạo hành trong suốt một thời gian dài. Tôi không biết liệu có
phải trường hợp của mình bị phóng đại lên vì có ai đó cảm thấy thương tôi,
hay vì có ai đó muốn phản công lại nhân danh tất cả những người phụ nữ bị
bạo hành bằng cách đưa chồng tôi ra tòa không.»
“Bà có thử đính chính lại sự sai lạc đó không?”
“Không, tôi quá hoang mang bối rối, không biết phải làm gì. Đó là lần
đầu tiên tôi lên báo. Hơn nữa, trong thâm tâm tôi thấy biết ơn bài báo đó.
Nếu người ta chỉ đơn giản xem sự việc là chồng tôi đang tề gia thì làm sao
mọi chuyện tốt lên cho phụ nữ được?”
Nhiều người Trung Quốc vẫn coi chuyện đàn ông đánh đập vợ hay con
cái của anh ta là tề gia. Đặc biệt, những người phụ nữ nông dân lớn tuổi
chấp nhận thực tế là như vậy, sống theo châm ngôn: Người vợ khốn khổ
ngậm đắng nuốt cay cho tới ngày được làm mẹ chồng của người Trung
Quốc, họ tin rằng mọi người đàn bà đều phải chịu chung số phận. Vì vậy,
những người nhìn Chu Đình bị đánh mới không hề nhúc nhích để giúp bà.
Chu Đình thở dài. “Đôi khi tôi nghĩ rằng số tôi cũng chưa đến nỗi khốn
khổ lắm. Sinh ra là đàn bà ở thời trước hẳn còn khốn khổ hơn nữa. Chưa
bàn tới chuyện được học hành - nếu sinh vào thời đó, chắc tôi chỉ được ăn
cơm thừa canh cặn của chồng.”