“Bà thật giỏi tự an ủi,” tôi nói, thầm nghĩ rằng nhiều người phụ nữ
Trung Quốc cũng hay tự an ủi mình với những ý nghĩ kiểu đó.
“Chồng tôi bảo học lắm làm tôi hư người.”
“Không phải anh ta tự nghĩ ra đâu. Chính Khổng Tử đã nói rằng phụ nữ
ít tài là đức mà.” Tôi ngừng lại, rồi hỏi, “Có phải sau đó bà lại xuất hiện
trên mặt báo trong vụ mưu sát bất thành?”
“Đúng, tôi cho là thế. Báo chí hồi đó biến tôi trở thành kẻ gây chuyện và
đã dạy cho tôi bài học về quyền lực của truyền thông. Tới ngày nay, không
ai tin tôi khi tôi nói với họ chuyện gì đã thực sự xảy ra. Họ đều nghĩ rằng
bất kỳ chuyện gì được in trên báo đều là Thánh Kinh.”
“Vậy bà nghĩ rằng bài báo đó là không chính xác,” tôi khích nhẹ.
Chu Đình trở nên kích động. “Tôi tin vào quả báo, nếu tôi nói dối thì sét
đánh tôi đi!”
“Xin đừng cảm thấy là bà phải thề thốt như vậy,” tôi nhẹ nhàng nói.
“Tôi sẽ chẳng tới đây nếu tôi không muốn nghe câu chuyện từ phía bà.”
Được xoa dịu, Chu Đình tiếp tục.
«Tôi gửi đơn xin ly hôn, nhưng chồng tôi quỳ lạy xin tôi cho anh ta một
cơ hội cuối cùng, bảo rằng một người tàn tật như anh ta không thể sống
được nếu thiếu tôi. Tôi bị giằng xé: sau khi đã đánh đập tôi tàn tệ, tôi không
tin là anh ta có thể thay đổi, nhưng tôi sợ rằng anh ta sẽ không thể sống
thiếu tôi. Chuyện ong bướm thì ngon lành lắm, nhưng liệu những người
tình có đồng cam cộng khổ với anh ta mãi không?
Nhưng một hôm tôi đi làm về sớm thì bắt gặp chồng mình và một người
đàn bà, cả hai đều gần như trần truồng. Máu nóng bốc lên đầu, tôi hét lên
với người đàn bà đó, “Tự gọi mình là đàn bà được à, đánh đĩ ngay trong
nhà tôi? Cút ngay!"
Tôi hét lên và chửi rủa thậm tệ. Người đàn bà đó lập cập chạy vào
phòng ngủ của tôi và thu nhặt quần áo trên giường. Tôi vớ lấy một con dao
phay trong bếp và nói với chồng tôi, “Nói tôi nghe xem, anh là loại đàn ông
gì?"
Chồng tôi đá vào háng tôi thay câu trả lời. Hăng tiết lên, tôi ném con
dao phay về phía anh ta, nhưng anh ta cúi xuống né được và đứng đó tròn