“Anh không cần phải bịa ra một câu chuyện nào đó đâu”, tôi nói. “Đây
là chứng cứ của buổi tối ngày hôm nay". Ngớ ngẩn thế nào tôi lại đưa cho
anh ta chiếc quần lót mà không hỏi giấy biên nhận hay yêu cầu ký biên bản
ghi nhận thỏa thuận giữa chúng tôi. Tôi chỉ muốn kết thúc mọi việc nhanh
chóng.
Tại phiên tòa xử ly hôn hai tuần sau, tôi tuyên bố rằng đồn công an sẽ
xác nhận cho tôi. Chánh án tuyên bố: “Trả lời yêu cầu của chúng tôi, đồn
công an mà cô nói đến không có bất kỳ ghi chép nào về bất kỳ vụ việc gì
liên quan đến cô".
“Làm sao mà Công An Nhân Dân lại có thể lừa dân như thế được?" Chu
Đình thốt lên.»
Tôi không ngạc nhiên về tình trạng thiếu đạo đức nghề nghiệp trong lực
lượng công an, nhưng vẫn hỏi, “Bà có báo cáo sự việc này với chính quyền
không?”
“Báo cáo ư? Cho ai? Trước khi tôi kịp quay về đồn công an để xin họ
làm xác nhận cho mình thì một tờ báo địa phương đã cho đăng một bài tiêu
đề là Người Vợ Trả Thù. Tôi bị mô tả là một người vợ hung dữ đang bị
chồng đòi ly dị. Bài báo được đăng lại trên các tờ báo khác và mỗi lần xuất
hiện nó lại được xào xáo: cuối cùng thì tôi trở thành người đàn bà điên lảm
nhảm trong vũng máu!”
Tôi cảm thấy xấu hổ vì các đồng nghiệp của mình đã bóp méo câu
chuyện của Chu Đình theo cách đó. “Bà phản ứng thế nào?”
“Chỉ là thêm một chuyện phải đương đầu. Gia đình tôi đã tan nát và lúc
ấy tôi về sống với mẹ.”
“Thế còn căn hộ cũ của bà?” Vừa hỏi dứt tôi đã biết câu trả lời: ở những
đơn vị nhà nước, hầu như mọi thứ được cấp cho mỗi gia đình đều do người
chồng đứng tên.
“Đơn vị nói căn hộ là do chồng tôi đứng tên, vì vậy nó thuộc về anh ta.”
“Vậy đơn vị nghĩ bà sẽ sống ở đâu?” Những người đàn bà ly hôn bị xem
như đồ thải, tôi thầm nghĩ.
“Họ bảo tôi sẽ phải tìm một chỗ nào đó ở tạm chờ đến đợt phân nhà tiếp
theo.”