Tôi biết rằng trong cách nói của công chức, đợt tiếp theo có thể phải mất
nhiều năm mới thành hiện thực. “Và bà phải mất bao lâu để được cấp cho
một căn hộ?” Tôi hỏi.
Chu Đình cười khẩy: “Đến chín năm sau cũng vẫn chưa có gì.”
“Họ hoàn toàn không làm gì cho bà hết?”
“Gần như không. Tôi tới gặp chủ tịch công đoàn, một phụ nữ chừng
năm mươi, để nhờ giúp. Bà ta nói bằng giọng tử tế: Với phụ nữ điều đó rất
dễ. Chỉ cần tìm một người đàn ông có một căn hộ là cô sẽ có mọi thứ cô
cần”.
Tôi phải cố gắng lắm để hiểu thế giới quan của người cán bộ Đảng có
thể nói ra điều như vậy. “Bà chủ tịch công đoàn nói như vậy ư?”
“Bà ta nói vậy, nguyên văn.”
Tôi nghĩ tôi đã bắt đầu hiểu Chu Đình hơn một chút. “Và thế là bà
không bao giờ tính đến chuyện hành động chống lại những gì giới truyền
thông đã làm với mình?” Tôi hỏi, không mong là bà đã làm như vậy.
“Không, à, rốt cuộc tôi cũng đã làm một chuyện. Tôi gọi cho tòa soạn,
nhưng họ lờ đi, vì thế tôi trực tiếp trình bày với tổng biên tập. Nửa đùa nửa
dọa, ông ta bảo tôi rằng: “Chu Đình, mọi chuyện giờ đã kết thúc; nếu cô
không ngừng lại, cũng chẳng ai buồn nghĩ lại chuyện ấy nữa đâu. Cô có
muốn lại bị đưa lên báo nữa không? Cô có muốn thách đố báo chí lần này
không?” Ghét phải chuốc thêm sự bực mình, tôi đồng ý bỏ qua chuyện đó."
“Bên trong bà có một trái tim mềm yếu,” tôi nói.
“Đúng thế, vài người bạn bảo tôi khẩu xà tâm phật. Thế phỏng có ích
gì? Có bao nhiêu người nhìn xuyên qua lời nói mà thấu tới trái tim cô
chứ?”
Bà ngừng lại, rồi tiếp tục.
«Tôi không chắc lắm về chuyện tại sao tôi lại xuất hiện trên báo lần thứ
ba; tôi nghĩ là do tình yêu. Ở trường tôi có một giáo viên trẻ tên là Ngụy
Hải. Anh ta không phải là dân gốc địa phương, vì vậy anh ta sống trong nhà
tập thể của trường. Lúc đó tôi vẫn đang làm thủ tục ly hôn. Tôi ghét phải
nhìn thấy chồng, và cũng sợ anh ta đánh nữa, vì vậy tôi thường ở lại văn
phòng sau giờ làm và đọc mấy tờ tạp chí. Ngụy Hải thường ngồi trong