CHƯƠNG 15
NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ Ở ĐỒI HÉT
Năm 1995, một cuộc khảo sát ở Trung Quốc cho thấy rằng ở những
vùng thịnh vượng hơn có bốn nghề có tuổi thọ ngắn nhất, là công nhân nhà
máy hóa chất, lái xe tải đường dài, công an và nhà báo. Công nhân nhà máy
và tài xế xe tải phải chịu khổ do thiếu những quy tắc an toàn thích hợp.
Thân phận của người công an Trung Quốc là một trong những thân phận
nghiệt ngã nhất: với một hệ thống pháp luật nhiều lỗ hổng và trong một xã
hội mà quyền lực chính trị đứng trên tất cả, tội phạm nào có những mối
quan hệ có ảnh hưởng thường ngang nhiên thoát tội, và một số kẻ sau đó
còn trả thù nhân viên công an có liên quan. Công an phải chịu giằng xé
giữa một bên là điều họ biết là đúng còn bên kia là các mệnh lệnh; sự thất
vọng, hoang mang và ân hận khiến họ chết sớm. Nhưng tại sao các nhà báo,
những người ở khía cạnh nào đó có cuộc sống được ưu ái, lại phải chịu
chung số phận đó?
Nhà báo ở Trung Quốc đã chứng kiến bao sự kiện choáng váng và đau
buồn. Họ thường bị bắt phải nói và viết những điều mà họ không đồng tình.
Khi phỏng vấn những người phụ nữ sống với hôn nhân chính trị không
tình cảm, khi nhìn thấy những người phụ nữ vật lộn trong đói nghèo và
khốn khó thậm chí không có nổi một bát canh hay quả trứng để bồi dưỡng
sau khi sinh nở, hoặc khi lắng nghe những người phụ nữ trên máy trả lời
điện thoại - những người không dám nói với ai rằng mình đã bị chồng đánh
đập thế nào, tôi thường không thể giúp họ vì những quy tắc của đài phát
thanh. Tôi chỉ có thể kín đáo khóc cho họ khi ở một mình.
Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, nó giống như một đứa trẻ đang đói lả
ngấu nghiến mọi thứ trong tầm với bất kể dở hay. Sau đó, trong khi mọi
người nhìn thấy một Trung Quốc phấn khởi, hạnh phúc trong bộ quần áo
mới, không còn khóc vì đói nữa thì các nhà báo lại thấy một thân thể bị