và quan niệm tân tiến. Nghe tên mà đoán người: Kim Soái, “tướng quân
vàng”. Tôi mời cô gái đến gặp mình một quán trà.
Kim Soái trông giống một giám đốc PR hơn là một sinh viên. Dù các nét
không nổi bật lắm, cô vẫn khiến người khác phải chú ý. Cô mặc một bộ
vest lính thủy cắt may rất chuẩn làm nổi phom người, một chiếc áo sơ mi
thanh nhã và đôi bốt da cao cổ trông thật quyến rũ. Mái tóc dài để xõa.
Chúng tôi nhấm nháp trà Long Tĩnh trong chiếc tách tráng men đỏ son.
“Vậy, Hân Nhiên, chị có hiểu biết như người ta vẫn đồn đại không nhỉ?”
Kim Soái ngay lập tức đảo ngược vai trò của chúng tôi bằng cách đặt
câu hỏi đầu tiên.
Hăm hở muốn gây ấn tượng với cô gái, tôi điểm vài cuốn sách về lịch sử
và kinh tế mà mình đã đọc.
Kim Soái không bị ấn tượng chút nào. “Những bộ sách cũ rích khô khan
đó thì có thể dạy người ta cái gì về nhu cầu và khát vọng của con người
chứ? Chúng chỉ lải nhải mãi những lý thuyết rỗng tuếch. Nếu chị muốn đọc
những cuốn sách hữu ích cho mình, hãy thử Quản Lý Thương Mại Hiện
Đại, Nghiên Cứu Về Những Quan Hệ Cá Nhân, hay Cuộc Sống Của Một
Doanh Nhân xem. Ít ra chúng cũng giúp chị kiếm tiền được. Tội nghiệp,
chị có bao nhiêu là mối quan hệ quan trọng, chưa kể đến những thính giả,
vậy mà vẫn phải làm việc suốt ngày đêm để kiếm một đồng lương còm cõi.
Chị đã lãng phí quá nhiều thời gian để đọc những thứ sách đó thành ra lỡ
mất cơ hội của mình rồi.”
Tôi phản ứng. “Không, mọi người đều có những lựa chọn cho cuộc đời
mình...”
“Ấy, đừng cáu thế. Chẳng phải nghề của chị là trả lời các câu hỏi thính
giả đó sao? Để tôi hỏi chị thêm chút nữa nhé. Phụ nữ có nhân sinh quan gì
không? Thế nào là hạnh phúc đối với một người phụ nữ? Và điều gì làm
nên một người phụ nữ tốt?” Kim Soái uống một hơi cạn tách trà.
Tôi quyết định trao quyền kiểm soát cuộc nói chuyện cho Kim Soái, hy
vọng cô sẽ bộc lộ suy nghĩ thực. “Tôi muốn nghe điều em nghĩ,” tôi nói.
“Tôi ư? Nhưng tôi là một sinh viên ngành khoa học tự nhiên, tôi không
biết gì về khoa học xã hội cả.” Kim Soái bỗng trở nên nhũn nhặn một cách