lịch sử Trung Quốc, đã có bao nhiêu người phụ nữ góa chồng thậm chí
không bao giờ nghĩ tới chuyện tái giá để bảo vệ thanh danh cho gia đình?
Có bao nhiêu người phụ nữ đã bị hoạn mất bản năng giống cái của mình vì
thể diện? Ồ, tôi biết hoạn không phải là từ dùng cho phụ nữ, nhưng tình
trạng đó đúng là như vậy. Ở nông thôn bây giờ vẫn còn những người phụ
nữ như thế. Và còn có câu về cá...”
“Cá gì?” Tôi chưa từng nghe kiểu nói như thế bao giờ và nhận thấy
mình hẳn có vẻ rất ngờ nghệch trong con mắt của giới trẻ thời nay.
Kim Soái thở dài một cách phô trương và gõ gõ mấy cái đầu móng tay
sơn màu xuống mặt bàn. “Ôi, tội nghiệp Hân Nhiên. Chị thậm chí còn
chẳng biết đến cách phân loại đàn bà. Làm sao chị có thể hy vọng hiểu nổi
đàn ông cơ chứ? Để tôi nói chị hay. Khi rượu vào đàn ông mới buột ra một
loạt các định nghĩa về phụ nữ. Tình nhân là Cá kiếm, ngon lành nhưng
xương nhọn hoắt. Thư ký riêng là Cá chép, hầm càng lâu mùi vị càng ngon.
Vợ người là Cá nóc Nhật Bản, thử một miếng có thể tiêu ngay, nhưng liều
mạng thì anh ta sẽ vênh váo được với đời.”
“Thế còn vợ họ thì sao?”
“Cá tuyết muối.”
“Cá tuyết muối. Là sao?”
“Vì cá tuyết muối giữ được lâu. Khi không còn thứ nào khác, cá tuyết
muối vừa rẻ vừa tiện, thêm cơm nữa là thành bữa... Nào, giờ thì tôi phải đi
Làm. Lẽ ra chị không nên nghe tôi huyên thuyên quá lâu như thế. Sao nãy
giờ chị không nói gì cả?”
Tôi im lặng, bị ám ảnh bởi sự so sánh đáng kinh ngạc giữa vợ với cá
tuyết muối.
“Đừng quên trả lời ba câu hỏi của tôi trong chương trình của chị đấy:
Phụ nữ có nhân sinh quan gì không? Với phụ nữ thế nào là hạnh phúc? Và
điều gì làm nên một người phụ nữ tốt?”
Kim Soái uống hết tách trà, cầm lấy túi xách và đi.
Tôi ngẫm nghĩ về ba câu hỏi của cô rất lâu, nhưng tôi nhận ra rằng mình
không biết câu trả lời. Dường như có một cái hố ngăn cách khổng lồ giữa
hai thế hệ chúng tôi. Suốt mấy năm sau đó, tôi đã có cơ hội được gặp gỡ