Khi tôi kể với các đồng nghiệp về điều tôi quan sát được ở người đàn bà
nhặt rác đó, thì tất cả họ, không muốn tôi cảm thấy mình là người duy nhất,
người nọ nối tiếp người kia bèn nói rằng họ cũng đã chú ý đến bà ta. Có
người thậm chí còn bảo tôi rằng mấy phụ nữ nhặt rác đó chính là thính giả
nhiệt thành của chương trình của tôi. Tôi không rõ liệu có phải họ đang
giễu cợt mình hay không nữa.
Đứng ngoài cuộc, Lý Đại, phóng viên mảng xã hội, gõ bút lên mặt bàn
đánh cộp, dấu hiệu cho thấy ông sắp sửa thuyết giảng cho các đồng nghiệp
trẻ một bài.
“Các cô các cậu chẳng nên thương xót những bà nhặt rác đó làm gì. Họ
chẳng nghèo đâu. Linh hồn của họ siêu thoát khỏi thế giới trần tục này theo
cách mà người bình thường không hình dung nổi. Cuộc đời họ không có
chỗ nào dành cho sở hữu vật chất, nên ham muốn vật chất của họ rất dễ
thỏa mãn. Mà nếu các cô các cậu lấy tiền làm tiêu chuẩn đánh giá, rồi các
cô các cậu sẽ nhận ra rằng một vài người trong số họ chẳng nghèo khổ hơn
những người làm nghề khác chút nào đâu”.
Ông bảo chúng tôi rằng ông từng thấy một bà nhặt rác trong hộp đêm
cao cấp, đeo trang sức khắp người và uống rượu brandy Pháp giá một trăm
tệ một ly.
“Thật vớ vẩn!” Mạnh Tinh, làm chương trình âm nhạc, phản bác lại. Với
cô, riêng sự khác biệt thế hệ đã có nghĩa là cô không bao giờ tin bất kỳ điều
gì Lý Đại nói rồi.
Vốn là người thận trọng nhất, không ngờ Lý Đại lại hăng máu lên đòi cá
cược với Mạnh Tinh. Cánh nhà báo thích khuấy tung mọi thứ lên, nên
những người khác đều hăng hái hùa vào gợi ý nên đặt cược bao nhiêu tiền.
Và rồi họ quyết định cá một chiếc xe đạp.
Để thực hiện vụ cá cược, Lý Đại nói dối vợ rằng ông sắp phải làm một
số bản tin tối, còn Mạnh Tinh bảo bạn trai là cô phải đi ra ngoài tìm hiểu về
âm nhạc đương đại. Trong vài ngày sau đó, tối nào hai người cũng tới chỗ
hộp đêm mà Lý Đại tuyên bố là người nhặt rác nọ thường lui tới.
Mạnh Tinh thua. Nhấm nháp whisky, người nhặt rác kể với Mạnh Tinh
rằng thu nhập của bà ta từ việc bán đồ phế thải là 900 tệ mỗi tháng. Lý Đại