“Chào cô! Tôi biết cô. Cô là người dẫn chương trình Khinh Phong Dạ
Thoại. Tối nào tôi cũng nghe chương trình của cô. Tôi giúp gì cho cô được
nhỉ?”
“Chuyện là thế này...” tôi, người dẫn chương trình có thể nói không
ngừng nghỉ trước micro, đột nhiên lại ăn nói chẳng ra đâu vào đâu đến mức
hầu như không theo kịp những lời lảm nhảm của mình.
Bà nhặt rác nhanh chóng nắm bắt được ý định của tôi. Bà ta trả lời điềm
đạm, nhưng dứt khoát. “Cô làm ơn gửi lời cảm ơn tới các đồng nghiệp của
cô hộ tôi vì ý định tốt đẹp của họ, nhưng tôi khó mà nhận lời đề nghị hào
hiệp ấy. Tôi thích được sống một cuộc sống không bị ràng buộc.” Chỉ với
một câu nói điềm tĩnh, bà ta đã quét sạch mọi khả năng thuyết phục mà các
đồng nghiệp đã nhận thấy ở tôi.
Khi tôi thuật lại với các đồng nghiệp, họ không tin nổi vào tai mình.
“Người dẫn chương trình phát thanh cứng cựa mà không thuyết phục nổi
một bà nhặt rác...”
Lúc ấy có muốn tôi cũng chẳng thể làm được gì. Ánh mắt của bà nhặt
rác đã chặn mọi lý lẽ lại. Tôi cảm thấy trong nét mặt của bà không chỉ có sự
từ chối, nhưng vẫn chưa hiểu nổi là còn có gì khác nữa.
Kể từ đó, việc quan sát lâu đài phế liệu và chủ nhân của nó trở thành
một phần trong thói quen hàng ngày của tôi. Một tối nọ vào tháng thứ hai
của mùa thu, cuối cùng tôi cũng có một cơ hội khác tiến lại gần túp lều nhỏ
đó. Sau khi kết thúc chương trình, tôi đi bộ qua dãy lều của những người
nhặt rác như thường lệ. Lúc tôi đi qua tòa lâu đài phế liệu, một giọng hát
khe khẽ vẳng ra - đó là một bài dân ca Nga “Thảo Nguyên”. Tôi hết sức tò
mò. Sau Cách Mạng Văn hóa, Trung Quốc đã có chiến tranh lạnh với Nga,
vì thế không nhiều người biết bài hát này; và số người hát được nó còn ít
hơn. Mẹ tôi học tiếng Nga ở trường đại học và dạy tôi bài hát này. Làm sao
một bà nhặt rác lại biết nó nhỉ?
Tôi ghé lại gần lâu đài phế liệu đó. Tiếng hát đột nhiên ngừng bặt, và cái
cửa sổ được thiết kế đặc biệt khẽ mở ra. Người đàn bà nhặt rác, mặc chiếc
váy ngủ tự khâu, hỏi, “Gì thế? Cô cần gì à?”
“Tôi... tôi xin lỗi, tôi chỉ muốn nghe bà hát, bà hát hay lắm!”