Căn phòng chật chội nhưng sáng sủa. Chúng tôi mỗi người tự tìm lấy
một chỗ mà ngồi, và mọi người bắt đầu chuyện trò như pháo rang. Tôi
không giỏi tán chuyện lắm vì tôi không thích nói chuyện về đời tư của
mình, câu chuyện về những gia đình không đầy đủ. Khi còn bé, tôi bị tách
khỏi bố mẹ; khi trưởng thành, tôi không có gia đình thực sự của mình - chỉ
có con trai tôi. Lặng lẽ ngồi nghe, tôi gấp một tờ giấy gói đồ thành hình
một con thỏ theo kiểu gấp giấy Nhật Bản.
Ngoài tiếng trò chuyện của đồng nghiệp, tôi còn nghe thấy những giọng
nói ngoài hành lang. Một người đàn ông nói bằng giọng nhỏ nhưng dứt
khoát. “Em nghĩ lại đi. Chuyện này quá nguy hiểm.”
“Em không sợ. Em muốn biết cảm giác sinh con ra như thế nào,” người
đàn bà đáp.
“Có thể em không sợ, nhưng anh thì sợ. Anh không muốn con anh mồ
côi mẹ.”
“Nếu em không sinh nở tự nhiên, làm sao em có thể tự gọi mình là một
người mẹ được?” Giọng người đàn bà có vẻ mất kiên nhẫn.
“Nhưng em biết rõ là trong tình trạng của em, em không thể...”
“Bác sĩ không bảo là 100% không thể!” người đàn bà ngắt lời, “em chỉ
muốn tự mình thực hiện điều đó...” Tiếng của họ nhỏ dần khi họ đi xa.
Khi tôi chuẩn bị về, mẹ chồng của Tiểu Dao lén dúi một mảnh vải đỏ
cho tôi và bảo đốt nó để “xua đuổi ma quỷ mà Mạnh Tinh dẫn tới”. Tôi
không dám trái lời. Khi ra khỏi bệnh viện, tôi quẳng mảnh vải vào cái bếp
lò trong một quầy hàng ăn ven đường, nhưng không kể gì với Mạnh Tinh,
vì cô nàng rất ghét phải thừa nhận thất bại.
Ba tháng sau, tôi được mời đến dự bữa tối trong đám tang của một gia
đình mà tôi không biết. Thính giả thường mời tôi đến tham dự các sự kiện
gia đình, nhưng thường là đám cưới. Người lạ hiếm khi được mời đến dự
các bữa cơm tối trong đám tang, nên tôi lấy làm bối rối. Bữa ăn được tổ
chức ở một nhà hàng chứ không phải là phòng tiếp khách tang lễ hay đài
hóa thân, và trên tấm thiệp mời đề nghị khách đến mang theo một cái tên bé
trai. Tôi chưa từng gặp nghi lễ nào như vậy cả.