Còn tôi, số phận buộc tôi bị nhốt ở đây, cho đến tròn 18 tuổi, hoặc đến
khi tôi đủ khả năng đốt chỗ này ra tro.
Đây chính là nhân tố truyền thống mang tính hệ thống mà tôi nói ở
trên. Trẻ con trong cô nhi viện, ngoài phân biệt bằng có mọc chim hay
không, thì còn chia làm hai phe "biết hay không
biết cha mẹ là ai". Người của hai phe không thích nhau, và đều cho
rằng phe kia tự ti trên mức cần thiết. Nhưng thật ra cũng chỉ kẻ tám lạng
người nửa cân mà thôi.
Ban đầu, lúc Kiến Hán vừa vào viện, tôi cao hơn hắn nửa cái đầu, nên
phải ngồi ngay sau lưng hắn. Đối với một tên ma mới ngông nghênh như
thế, bậc đại bàng như tôi hiển nhiên phải "điều trị" cho đến nơi đến chốn.
Thế là, trong giờ học, tôi hay dùng bút chì kim chích vào cổ Kiến Hán,
hoặc thừa lúc hắn ngủ gật, dán lên lưng hắn những câu kiểu như "Bán đấu
giá đồ ngốc, năm đồng một đứa" v.v... làm cho hắn không được yên thân,
phải sôi gan ngứa ruột.
Nhưng trò vui đó chỉ kéo dài một học kỳ. Kiến Hán trước kia ở với bố
bữa no bữa đói, vào viện rồi ăn lấy ăn để, sau một học kỳ xếp lại chỗ ngồi,
hắn đã cao hơn tôi nửa lóng tay. Thế là hết, Kiến Hán được xếp ngồi ngay
sau lưng tôi! Từ đó, hắn trở thành khắc tinh làm tôi đau đầu nhất. Thật đấy!
Thực sự rất đau đầu! Bởi vì Kiến Hán hay phang cả cái hộp bút bằng sắt
lên đầu tôi, không chỉ trong giờ học, giờ nghỉ trưa nó cũng phang. Báo hại
tôi cả học kỳ phải nhớn nhác, đề phòng, đầu óc tối ngày quay mòng mòng.
Làm sao đây? Tôi chỉ còn cách ráng ruột ra ăn, ăn, ăn ăn. Rảnh rỗi tí là
ra hành lang ngoáy cổ chân rồi bật cao lên sờ biển tên lớp. Kiến Hán thấy
thế cũng lo lắng, hắn đọc ngay ra mưu kế của tôi, vì vậy càng ăn nhiều hơn
trước, rồi nhảy tới nhảy lui ở cầu thang. Một cuộc cạnh tranh phát triển
chiều cao ác liệt đã diễn ra.