Vẻ mặt y có chút bàng hoàng, cứ như đang chìm đắm trong hồi ức vui
sướng, tươi đẹp thuở xưa: “Sau khi vào cung, nàng bệnh mãi không khỏi,
đến hôm đó gặp được nàng dưới gốc hoa hạnh nơi Thượng Lâm uyển, nàng
cầm tiêu thổi một khúc, vẻ ngoài ung dung, trong sáng như chim hồng tung
cánh, khiến trẫm ngẩn ngơ, không biết dùng từ ngữ nào để có thể miêu tả.”
Tôi lấy tay che miệng y, e thẹn cười khẽ. “Tứ lang còn nói vậy nữa thì
Hoàn Hoàn chỉ còn nước chui xuống đất vì xấu hổ mất!”
Y khẽ đẩy tay tôi ra rồi giữ chặt trong lòng bàn tay, ánh mắt trong trẻo
tựa dòng suối róc rách dưới ánh nắng thu. “Về sau, trẫm lần giở thi thư, mới
cảm thấy mấy chữ “nhan sắc khuynh thành” để miêu tả nàng là quá sức
phàm tục. Chỉ có mỗi câu “Khói chia mái tóc ba phần lục, kiếm mượn mắt
trong một tấc quang” mới có thể miễn cưỡng sánh ngang nhan sắc nàng.”
Tôi dịu dàng đặt một nụ hôn lên đáy mắt y, khẽ khàng thưa: “Hoàn Hoàn
không muốn chỉ dùng nhan sắc để hầu hạ Hoàng thượng.”
Huyền Lăng lộ vẻ say sưa. “Trẫm vốn chỉ coi trọng tấm chân tình của
nàng.”
Giọng tôi càng lúc càng da diết: “Tứ lang hiểu được là tốt rồi!”
Gương đồng khảm xà cừ trên có khắc đủ đồ án nhân vật và hoa cỏ chim
chóc, nào là chim dạ oanh liền cánh, sen tịnh đế dát vàng, hình người cũng
được điêu khắc hết sức tinh xảo, nào là Oanh Oanh và Trương Sinh trong
Tây Sương ký, Mạnh Quang Lương Hồng án đặt ngang mày, nét bút nhũ
kim cũng không che giấu được tình ý tràn trề. Bên trong gương, bóng hai
người chúng tôi âu yếm nhìn nhau, ngắm mãi mà không chán.
Y cầm cây Loa tử đại khảm xà cừ trên bàn trang điểm lên, nói với tôi:
“Hoàn Hoàn, chân mày của nàng nhạt màu rồi!”