41
N
hững gì xảy ra từ ngày 13 tháng Bảy có thể được đưa vào chương
trình của các trường đào tạo quân nhân chuyên chế tạo và tháo gỡ bom mìn
như một ví dụ tuyệt vời về tình huống thuốc nổ dùng dây cháy chậm.
Khi tờ Petit Journal ra vào buổi sáng, khoảng sáu giờ rưỡi, đó mới chỉ là
một mục nhỏ thận trọng, mặc dù được đăng trên trang nhất. Tên bài báo chỉ
gợi lên một giả thiết, nhưng đầy hứa hẹn:
Những công trình tưởng niệm giả…
Phải chăng chúng ta sắp có một vụ bê bối tầm cỡ quốc gia?
Chỉ vỏn vẹn ba mươi dòng, nhưng giữa “Hội nghị Spa kéo dài mà không
đạt kết quả”, bản tổng kết cuộc chiến: “Châu Âu đã mất ba mươi lăm triệu
người” và “Chương trình lễ hội ngày 14 tháng Bảy” sơ sài mà người ta đã
chán ngấy khi nghe nhai đi nhai lại rằng nó chẳng nhằm nhò gì với ngày 14
tháng Bảy năm trước vốn là một dịp vô tiền khoáng hậu, thông tin khiến
nhiều người quan tâm.
Bài báo nói gì? Chẳng gì cả. Đó là sức mạnh của nó, trí tưởng tượng tập
thể tha hồ mà đắm chìm vào. Người ta chẳng biết mô tê gì, nhưng hóng hớt
được là “có thể” các làng xã, thành phố “hình như đã” đặt hàng các công
trình tưởng niệm tại một công ty mà “người ta e rằng” chỉ là một “công ty
giả danh”. Không thể tỏ ra thận trọng hơn.
Henri d’Aulnay-Pradelle là một trong những người đầu tiên đọc bài báo
đó. Y xuống taxi, và trong khi chờ xưởng in mở cửa (lúc đó chưa đến bảy
giờ sáng), y mua tờ Petit Journal, nhìn thấy ngay mục nhỏ đó, điên tiết suýt
ném tờ báo vào rãnh bên đường nhưng định thần lại. Y đọc đi đọc lại, cân
nhắc từng từ. Y vẫn còn chút thời gian, điều đó làm y yên tâm hơn. Nhưng
không nhiều, vì thế mà y càng điên tiết gấp bội.