Tay thợ mặc áo bảo hộ mở cửa xưởng in, Henri theo sát gót, xin chào, y
chìa catalogue Ký ức Tổ quốc ra, các anh đã in quyển này, ai là khách hàng
của các anh, nhưng người đó không phải là ông chủ.
— Kia kìa, anh ấy đến đấy.
Một người trạc tuổi ba mươi, tay mang một cái cà mèn, kiểu người trước
đây làm đốc công giờ đã lấy bà chủ, anh ta đang cầm tờ Petit Journal cuộn
lại trong tay, nhưng còn may là chưa mở. Henri khiến những người này e
ngại vì mọi thứ ở y đều toát lên vẻ “ông chủ”, kiểu khách hàng chẳng quan
tâm gì đến giá cả, luôn đòi hỏi cao và giàu có. Thế nên, khi Henri hỏi xem
mình có thể nói chuyện với anh ta không, nhưng mà thế nào, gã cựu công
nhân đáp lại, và trong khi các thợ in tipô, thợ in, thợ sắp chữ bắt đầu ngày
làm việc của mình, anh ta chỉ cánh cửa kính của văn phòng nơi anh ta
thường tiếp khách.
Mấy tay thợ kín đáo nhòm ngó, Henri quay người để khỏi bị nhìn thấy,
rút ngay hai trăm quan và đặt lên bàn.
Mấy tay thợ chỉ nhìn thấy lưng của vị khách, y có những cử chỉ rất điềm
tĩnh, mà y cũng ra về ngay, cuộc trò chuyện không kéo dài, đó là dấu hiệu
xấu, y đã không đặt hàng. Thế nhưng chủ xưởng in quay lại, vẻ thỏa mãn
trên mặt anh ta càng khiến họ ngạc nhiên hơn, bởi vì thông thường, anh ta
không thích bỏ lỡ một vụ làm ăn. Nhận được bốn trăm quan, anh ta hết sức
ngạc nhiên, chỉ để giải thích là mình không biết tên của khách hàng đó, một
người vóc dáng trung bình, lúc nào trông cũng bồn chồn, lo lắng, trả một
nửa giá trị đơn đặt hàng bằng tiền mặt hẳn hoi, số tiền còn lại được thanh
toán hôm trước ngày giao hàng, nhưng họ không biết hàng đã được đưa đi
đâu bởi có người được giao đến chở hàng; anh ta kéo xe ba gác chỉ bằng
một tay, một gã cực kỳ khỏe mạnh.
— Anh ta ở quanh đây thôi.
Đó là tất cả những gì Henri khai thác được. Họ không biết đích danh
người nhận chở hàng bằng xe ba gác là ai, nhưng họ đã từng gặp anh ta;
người bị cụt tay bây giờ chẳng có gì đặc biệt nhưng làm nghề xe ba gác thì
hiếm hơn.