Ở ngân hàng, anh thường phải làm việc với loại tài liệu lưu trữ này, với
những cái nhãn được tẩy xóa và những dòng chữ viết tay bằng thứ mực
xanh phai đi theo thời gian. Dù vậy, anh cũng mất gần hai lăm phút để tìm
những quyển sổ mình cần. Anh rất lo, không tài nào cưỡng lại được, anh
không ngừng nhìn về phía cửa, như thể nó có nguy cơ mở ra bất cứ lúc nào.
Anh không hề biết sẽ phải ăn nói ra sao.
Đến mười hai giờ rưỡi anh mới lấy được thêm ba quyển sổ. Trong mỗi
quyển, các kiểu chữ nối tiếp nhau, khác biệt, hành chính, cũ kỹ, điên thật,
một cái họ sao mà tiêu nhanh thế. Còn gần hai mươi phút nữa để tìm ra
cuốn sổ, và theo bản tính, Albert bắt đầu lưỡng lự. Như thể sự lựa chọn là
quan trọng lắm… Lấy cuốn đầu tiên đi, anh tự nhủ. Anh hết nhìn đồng hồ
lại nhìn ra cửa và có cảm tưởng chúng đã thay đổi kích thước và choán hết
cả gian phòng. Anh nghĩ đến Édouard giờ đang ở một mình, bị trói…
Mười hai giờ bốn mươi hai.
Trước mắt anh là quyển sổ ghi chép danh sách những người lính chết tại
bệnh viện mà gia đình chưa được thông báo. Danh sách kết thúc vào ngày
30 tháng Mười.
Boulivet, Victor. Sinh ngày 12 tháng Hai năm 1891. Hy sinh ngày 24
tháng Mười năm 1918. Những người cần thông báo, bố mẹ: Dijon.
Vào khoảnh khắc đó, không phải anh bị giày vò vì đắn đo, do dự, mà anh
day dứt vì phải hết sức thận trọng. Albert hiểu rằng, giờ đây, với đồng đội
của mình, anh có trách nhiệm tinh thần và không được làm bừa, như làm
cho chính anh. Anh phải làm mọi việc một cách hợp lý, hiệu quả. Thế nên,
nếu anh cho Édouard danh tính của một anh lính đã chết thì anh lính này sẽ
sống lại. Bố mẹ anh ta sẽ chờ đợi. Hỏi tin tức về anh ta. Người ta sẽ điều
tra, lần lại từ đầu sự việc không phải khó. Albert vừa lắc đầu vừa tưởng
tượng hậu quả sau này mà anh cũng như Édouard phải gánh chịu, nếu hai
người bị người ta vạch mặt vì tội giả mạo (và hẳn là còn nhiều tội danh
khác mà anh không biết).
Albert bắt đầu run. Trước chiến tranh, anh thường có phản ứng như vậy,
khi sợ hãi, cứ như thể anh bị rùng mình. Anh nhìn đồng hồ, thời gian trôi