°°°
Đất nước Đại Hòa vẫn tiếp tục kéo dài cuộc sống thanh bình. Người
người chăm lo việc đồng áng, lúc có thời giờ nhàn rỗi, mùa xuân họ nghỉ
ngơi thư thả dưới cội anh đào, mùa thu dạo chơi ngắm lá hồng trong núi. Kẻ
chưa một lần gối mái chèo [2], rong thuyền về miền Tây để biết được đảo
Kyuushuu xa xôi với ánh lửa chài huyền ảo [3] thì cũng có thể cho lòng
mình lôi cuốn bởi vẻ đẹp của núi Fuji hay núi Tsukuba [4] bên cạnh [5].
Trong ngôi làng Ôka ở vùng Ise, có người họ Hiyashi [6], cơ nghiệp đã
sớm nhường lại cho con cháu trông coi. Tuy chưa hề gặp điều gì bất hạnh
trong cuộc sống nhưng cũng đã xuống tóc lánh đời, đổi tên lấy pháp danh là
Muzen (Mộng Nhiên). Được cái trời cho không đau ốm thương tật nên mới
lấy việc du lịch đó đây làm niềm vui lúc tuổi già. Lòng lo lắng mỗi việc
Sanoji, đứa con út của mình, chưa từng trải việc đời, còn hay câu chấp nên
muốn đưa cậu ta lên Kyôto một lần cho biết lối sống thanh lịch kinh đô. Hết
tháng giêng, tết nhất xong xuôi, ông bèn cùng con trai lên đường, trước tạm
trú ở gia trang của mình trong khu phố Nijô [7], mãi đến cuối tháng ba, bố
con mới cùng nhau đi thưởng ngoạn anh đào vùng thâm sơn Yoshino, lưu
lại ngôi chùa một nhà sư quen biết, đàm đạo suốt cả tuần [8]. Sau ông tự
nhủ mình chưa từng viếng cảnh núi Kôya, phải đến xem một lần cho biết.
Vì vậy, hai bố con mới vẹt cỏ đầu hạ xum xuê, vượt qua vùng Ten no kawa
[9] và leo lên tới đỉnh núi Mani [10] . Đường đất cheo leo nguy hiểm, bố
con đi đứng hết sức cực nhọc. Trái với dự đoán, họ đã bị mất quá nhiều thời
giờ mà cũng không hay ngày ngả bóng tự lúc nào. Hai người bèn đi hỏi
thăm mọi nơi, không chừa bất cứ điện, chùa, tháp, miễu [11] nào trong
thánh địa [12] xin ngủ đỗ một đêm nhưng đến đâu cũng bị người ta thoái
thác.
Nhân bắt gặp một kẻ qua đường, hỏi thăm về phong tục vùng Kôyasan
mới biết rằng những ai không phải là chỗ quen biết với tự viện tăng phòng
đều phải xuống dưới chân núi tìm chỗ qua đêm chứ trên ngọn núi này,