“Để anh Công xử lý, anh ấy có cách.”
“Xử lý thế nào?” Ông Thiên hỏi dồn.
Ông Tường im lặng giây lát, rồi nói: “Tìm một chỗ không có người chôn cô
ta. Bảo ông ấy đưa đi thật xa, xa Bắc Kinh.”
Ông Tường nói tự nhiên như khi bàn công tác. Ông Thiên nhìn vào mắt ông
ta, nhìn hồi lâu rồi rầu rĩ nói: “Anh Tường, chúng ta làm thế nào để có thể
làm nổi việc ấy? Chúng ta không thể làm.”
Ông Tường tránh cái nhìn của ông Thiên, hồi lâu sau mới nói: “Vậy thì,
không còn cách nào.” Ngừng giây lát, ông nói tiếp: “Người đời vẫn nói,
cuộc sống là trên hết. Vì sự sống, việc gì cũng có thể làm. Bản thân anh
không bảo vệ bản thân, sẽ không có ai bảo vệ anh. Bao nhiêu năm nay
chúng ta cống hiến không ít, nhưng một khi xảy ra việc xấu xa, xã hội sẽ
không buông tha chúng ta. Với lại, không phải chúng ta cố tình gây nên cái
chết. Nhưng dù sao thì cô ấy cũng đã chết, anh có đưa đến nhà xác bệnh
viện, đưa chúng tôi đến công an, liệu còn ý nghĩa gì? Trừ phi lương tâm
chúng ta thanh thản hơn một chút. Chúng ta cùng chịu gian khổ hai chục
năm trời chỉ để cho mấy chục phút lương tâm thôi ư?”
Ông Thiên không trả lời, lúc này không phải là lúc biện luận về đạo đức.
Không phải ông Tường không hiểu đạo đức là gì. Có thể mọi người như
nhau, vào lúc gay cấn một sống một chết, dù là đạo đức phẩm chất gì, đến
lúc đụng độ hiện thực đều phải tan rã, không ai xoay chuyển nổi. Ông
Thiên chỉ còn biết im lặng. Ông và ông Tường đi ra phía sau, xem ông
Công kéo thi thể cô gái vào phòng thay đồ bên cạnh bể bơi. Ông cùng với
hai người cố tránh không giẫm lên vết máu trên nền gạch, trông thấy mà sợ
hãi. Trong phòng thay đồ, họ dùng bộ váy áo đen như đồ tang đậy lên mặt
và lên cơ thể nửa khỏa thân của cô gái. Mặt cô gái tái nhợt như được phủ
một lớp sáp, mắt hé mở, không ai dám nhìn. Ông Thiên thấy ông Tường và
ông Công không biết tìm đâu một tấm thảm len cuộn cô gái vào trong và
dùng một sợi dây thừng bó lại. Găng tay, giày của cô ta cũng cho luôn vào