nào với ông Thiên, gọi là bác hay gọi là Chủ tịch. Cô bối rối nói: “Xin lỗi...
thưa Chủ tịch... cháu không biết là bác.”
Ông Thiên đi về phía chiếc xe chạy bằng điện, lấy một chai nước khoáng,
rồi nhìn Lâm Tinh và Ngô Hiểu đứng phía sau, lại hỏi: “Hiểu nó vẫn chưa
nói với cô à?”
Lâm Tinh cố kiềm chế sự khó xử bỗng từ đâu ập đến, trả lời: “Không ạ, anh
ấy chỉ nói bố làm ở công ty. Thật tình cháu không biết là bác, cháu có thể
thề với bác!”
Ông Ngô Trường Thiên lạnh nhạt nói: “Ừ, thật là khéo.”
Giật mình nhất lại là Ngô Hiểu. Anh nghi ngờ nhìn bố rồi nhìn Lâm Tinh,
chừng như không tin lắm, hỏi: “Bố đã biết cô ấy rồi ạ?”
“Biết!” Ông Thiên trả lời dứt khoát.
Trong trường hợp này, đối với Lâm Tinh tiến thoái đều khó. Ông Thiên là
đối tượng để cô phỏng vấn, cũng là nhân vật mà cô kính phục. Cô không
nên, mà cũng không cần thiết phải sắm vai “lừa dối”. Nhưng màn kịch tiếp
tục diễn, bởi cô không thể bỏ dở giữa chừng, phản lại người bạn cùng trang
lứa, phản lại lời hứa của mình. Cho nên, khi ông Thiên hỏi hai người quen
nhau từ bao giờ, cô đành phải tiếp tục diễn theo đúng kịch bản:
“Hai năm rồi ạ.”
“Từ lúc cô còn học đại học?”
Cô gật đầu, trả lời “Vâng”.
“Cô thấy Hiểu thế nào?”
Ngô Hiểu lập tức phản ứng: “Bố, bố hỏi những chuyện ấy làm gì, chả nhẽ
cô ấy thấy con không tốt?”