Ngày 1 tháng 1 năm 1919, sau thất bại trong việc giành một ghế
tại Thượng viện Mỹ, Henry Ford nhường lại chức chủ tịch tập đoàn
Ford cho Edsel, con trai ông, mặc dù ông vẫn can thiệp rất sâu vào
quá trình quản lý. Hầu hết các quyết định của tập đoàn đều phải
được Henry thông qua, mà thường thì Henry hay đi ngược lại các
quyết định này. Đồng thời lúc này, Henry và Edsel mua lại tất cả
các cổ phần còn lại từ các nhà đầu tư khác, để trở thành người chủ
duy nhất. Tập đoàn này là sở hữu cá nhân của gia đình nhà Ford cho
đến tận năm 1956 khi họ cho phép công chúng được mua một phần
cổ phiếu nhưng không được quyền quản lý.
Giữa thập niên 1920, doanh số bán hàng của Model T bắt đầu
sụt giảm do ngày càng có nhiều hãng khác tham gia cạnh tranh. Các
nhà sản xuất khác đưa ra các chính sách thanh toán, qua đó khách
hàng có thể mua những chiếc xe có nhiều tính năng và phong cách
cơ khí hiện đại mà chiếc Model T không có. Bỏ ngoài tai những đề
xuất của Edsel, Henry vẫn kiên quyết từ chối không chịu kết hợp
thêm các tính năng mới cho chiếc Model T hay lập chính sách giá
mới để thu hút khách hàng.
Mẫu Model A và các đời sau
Đến năm 1926, doanh số Model T giảm sút khiến Henry buộc
phải suy nghĩ về đề xuất của Edsel là cần có một mẫu mã mới. Vì
thế, Ford theo đuổi một dự án chuyên về kỹ thuật thiết kế động
cơ, khung gầm, và các bộ phận cơ khí cần thiết khác, để con trai
nghiên cứu phát triển thiết kế thân ôtô. Edsel cuối cùng cũng vượt
qua được những thành kiến ban đầu của cha trong việc lắp đặt
thêm bộ phận truyền động trượt. Kết quả là mẫu Model A ra mắt
tháng 12 năm 1927, rất được ưa chuộng và được sản xuất cho đến
năm 1931 với tổng sản lượng hơn 4 triệu chiếc. Sau đó, Hãng Ford
cũng áp dụng chính sách thay đổi mẫu mã hàng năm tương tự như
các nhà sản xuất ôtô ngày nay đang làm.