chỉnh rồi đưa thẳng tới tay người tiêu dùng. Đó chính là phương
pháp mà chúng tôi đang thực hiện và hy vọng là nó sẽ ngày càng được
áp dụng rộng rãi. Vấn đề ai là chủ của các nhà máy chuyên sản
xuất các bộ phận, phụ tùng nào đó không phải là vấn đề quan
trọng nữa. Miễn là nhà sản xuất phải tuân thủ theo nguyên tắc lấy
mục đích phục vụ là chính. Nếu như ta có thể mua được một bộ phận
tương tự như bộ phận mà chúng ta có thể tự sản xuất mà với giá hợp
lý hơn, thì chúng ta không cần phải cố gắng sản xuất làm gì. Tốt
hơn hết là ta có quyền sở hữu trải rộng bao gồm nhiều nhà máy
chuyên sản xuất các bộ phận khác nhau.
Tôi cũng đã từng thử cố gắng giảm bớt trọng lượng của xe. Vì
thực tế khi xe quá nặng thì tốc độ sẽ bị ảnh hưởng. Có rất nhiều ý
nghĩ ngớ ngẩn về cân nặng và khi nghĩ về “cân nặng”, thật lạ lùng là
một số từ ngớ ngẩn liên quan đến “trọng lượng” ngày nay vẫn còn
đang được sử dụng. Ví dụ như cụm từ “nặng nề" lại được dùng để ám
chỉ về khả năng tinh thần của một người. Điều đó nghĩa là gì?
Không một ai lại muốn có thân hình béo và nặng – thế thì tại sao
lại dùng sự nặng nề đó để ám chỉ cái đầu được nhỉ? Chúng ta hay
nhầm lẫn giữa sức mạnh và cân nặng chỉ vì những lý do thật ngớ
ngẩn. Chắc chắn là điều này có liên quan trực tiếp tới những
cách thức sản xuất thô sơ trước đây. Xe bò kéo ngày trước nặng tới 1
tấn, và vì nó quá nặng nên nó rất yếu.
Để chở lượng hành khách với trọng lượng một vài tấn từ New
York tới Chicago thì người ta đã phải thiết kế loại tàu hoả nặng
hàng trăm tấn. Hậu quả là sức kéo của tàu bị giảm, làm hao phí một
nguồn năng lượng rất lớn. Quy luật bù trừ xuất hiện khi sức mạnh
chuyển thành trọng lượng. Trong thực tế, chỉ có xe lu mới cần có
trọng lượng nặng chứ các loại máy móc khác thì không. Sức mạnh
không có gì liên quan đến trọng lượng cả. Một người mạnh mẽ nghĩa
là anh ta phải hoạt bát, tài giỏi và khoẻ mạnh. Những thứ đẹp nhất