bang, bởi thống đốc các tiểu bang và bởi cơ quan lập pháp liên bang. Giải
pháp cuối cùng được chấp nhận là một cử tri đoàn, một sự thỏa hiệp có vẻ
kỳ quặc và lạ lùng, nhưng lại là một thủ đoạn chính trị tuyệt vời khôn
ngoan. Các bang lớn đông dân có sức mạnh nhờ số lượng các đại biểu đông
đảo; cơ quan lập pháp tiểu bang có quyền chọn lựa các đại cử tri; còn Hạ
viện có quyền quyết định Tổng thống trong trường hợp không có ứng cử
viên nào chiếm đa số phiếu. Sau đó, Mason đã dự đoán là cứ 20 lần bầu
chọn Tổng thống thì có lẽ tới 19 lần Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu quyết định
cuối cùng.
Ký kết bản Hiến pháp
Trong những ngày đầu tháng Chín, khi các đại biểu đã kiệt sức, chỉ muốn
trở về nhà, thỏa hiệp trở nên dễ dàng hơn. Ngày 8 tháng Chín, Hội nghị bổ
nhiệm Ủy ban Văn phong và Bố cục, gồm 5 người với nhiệm vụ "chỉnh sửa
lại văn phong và sắp xếp lại các điều khoản đã được chấp thuận sau các
cuộc tranh luận căng thẳng tại Hội nghị". Các thành viên của Ủy ban này là:
Alexander Hamilton, tiểu bang New York; William Samuel Johnson, tiểu
bang Connecticut; Rufus King, tiểu bang Massachusetts; James Madison,
tiểu bang Virginia và Gouverneur Morris, tiểu bang Pennsylvania.
Gouverneur Morris là kiến trúc sư trưởng của công trình này. Là nhà hùng
biện xuất sắc nhất Hội nghị, với giọng văn hùng hồn, mạch lạc, ông được
các thành viên khác hoàn toàn nhất trí chọn làm người chắp bút cho văn bản
quan trọng này. Một năm sau, ông tự hào viết cho Timothy Pickering: "[Bản
Hiến pháp đó] được viết bằng chính những ngón tay đang viết bức thư này".
Ngày 12 tháng Chín, bản Hiến pháp được trình lên Hội nghị và các đại biểu
lần lượt xem xét từng điểm. Mặc dù các phiếu sít sao nhau trên nhiều điều
khoản nhưng dù sao công trình nhọc nhằn trong mùa hè lịch sử năm 1787
cuối cùng cũng đã đạt đến mục tiêu.
Ngày 15 tháng Chín, trước lần bỏ phiếu cuối cùng, dù là người đầu tiên đưa
ra đề xuất về mô hình chính quyền, nhưng Edmund Randolph lại từ chối ký.