được đề xuất với hệ mặt trời, trong đó, các tiểu bang là các hành tinh
chuyển động tự do trong quĩ đạo thích hợp cho mình. Ngài Wilson của
Pennsylvania mong muốn hủy bỏ các quĩ đạo này. Nếu chính quyền các tiểu
bang bị loại khỏi mọi công việc quốc gia thì chính quyền quốc gia sẽ đi
theo hướng như chính quyền các tiểu bang hiện nay và rồi cũng sẽ gặp phải
tất cả những sai lầm tương tự.
Việc cải cách là nhằm thống nhất 13 dòng suối nhỏ vào một con sông lớn để
chúng cùng chảy theo một hướng, để không gây cản trở lẫn nhau. Tuy
nhiên, ông tán thành quan điểm cho rằng Thượng viện phải bao gồm nhiều
đại biểu, vì khi đó ảnh hưởng của họ cũng sẽ tăng lên nhờ dòng dõi và các
yếu tố khác. Ông không đồng ý rằng Quan Hộ dân La Mã bị mất quyền lực
khi tăng thêm người và giải thích nguyên nhân vấn đề này. Nếu lập luận của
Ngài Madison là đúng, thì số lượng Thượng nghị sĩ cần phải giảm xuống
dưới 10, con số lớn nhất của các quan hộ dân La Mã.
Ngài WILSON: Cách thức chọn lựa Thượng nghị sĩ chắc chắn gặp phải
nhiều khó khăn và ngờ vực, nhưng chúng ta cần phải vượt qua. Mô hình
chính quyền nước Anh không thể là hình mẫu của nước Mỹ vì sự khác biệt
về cách sống, luật pháp, chế độ con trưởng thừa kế bị bãi bỏ và tính cách
của toàn thể công chúng. Ông không cho rằng tồn tại nguy cơ chính quyền
quốc gia sẽ nuốt chửng chính quyền các tiểu bang. Ngược lại, ông muốn
chính quyền quốc gia không bị chính quyền các tiểu bang thôn tính.
Ông đồng ý với ý kiến của Ngài Dickinson cho rằng không nên loại bỏ
những hành tinh cũng như những quỹ đạo của nó. Tuy nhiên, ông cũng
không tin rằng các hành tinh này sẽ sưởi ấm hay chiếu sáng Mặt trời. Trong
phạm vi quĩ đạo đích thực của mình, chính quyền tiểu bang phải chấp nhận
hoạt động vì những mục tiêu ít quan trọng hơn [những mục tiêu của địa
phương]. Với mục đích này, sự tồn tại của các chính quyền tiểu bang là cần
thiết, bởi chính quyền Liên bang không thể điều hành hết phạm vi quá rộng
lớn của nền Cộng hòa.