Mặc dù những điều ông đề xuất không được ai hưởng ứng, nhưng sau này,
Hamilton đã mạnh mẽ bênh vực bản Hiến pháp mới. Với những đóng góp
to lớn của mình, ông được coi là một trong những kiến trúc sư, không chỉ
của bản Hiến pháp Mỹ mà còn của hệ thống tòa án, hệ thống chính quyền
và nền kinh tế - tài chính Mỹ. Những nguyên lý Hamilton trình bày tại Hội
nghị sau này đã được ông áp dụng trong thời kỳ làm Bộ trưởng Tài chính,
đặc biệt là các chương trình về khoản nợ, ngân hàng trung ương và các hoạt
động tài chính, kinh tế khác. Cho đến ngày nay, những lập luận của
Hamilton đã được thực tế chứng minh khi chính quyền liên bang Mỹ trở
nên rất mạnh, hầu như lấn át mọi chính quyền tiểu bang.
Ngài HAMILTON: Đã giữ im lặng cho tới tận lúc này, một phần vì kính
trọng các đại biểu khác có uy tín và tuổi tác lớn hơn đã làm ông không
muốn trình bày những quan điểm khác với họ và một phần vì tình thế khó
xử đối với tiểu bang của ông và tâm trạng của tiểu bang này đã được các
đồng nghiệp cùng tiểu bang trình bày, dù ông không chấp nhận quan điểm
đó.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đang xảy ra tại Hội nghị trầm trọng đến mức
không cho phép bất kỳ sự đắn đo, cân nhắc, lưỡng lự nào. Bổn phận của
mọi đại biểu là phải đóng góp công sức và mọi nỗ lực, vì sự an toàn và
hạnh phúc của toàn xã hội.
Do vậy, ông buộc phải tuyên bố rằng ông không tán thành bất cứ mô hình
nào trong số hai phương án đã được đệ trình. Ông đặc biệt phản đối Phương
án New Jersey vì tin rằng nếu tiếp tục duy trì chủ quyền của các tiểu bang,
thì không một sự sửa đổi nào đối với Hợp bang nào có thể đáp ứng được
mục tiêu của Hội nghị này. Mặt khác, ông thừa nhận rất lo ngại bởi với lãnh
thổ quá rộng lớn như nước Mỹ, khó lòng có thể trông đợi những điều tốt
lành bằng việc thiết lập một chính quyền trung ương. Những mối nghi ngờ
về phạm vi quyền hạn của Hội nghị này xuất hiện do khác biệt quan điểm
và từ những lập luận quá xảo quyệt. Ông cho rằng chính quyền liên bang là
cách thức hợp nhất các cộng đồng độc lập vào một nhà nước duy nhất.