Đã thành thói quen, mỗi khi năm hết tết đến hay có những sự kiện lớn xảy
ra, nhiều kẻ sĩ lại tìm đến sấm Trạng để giải đoán xem có phù hợp không.
Thí dụ khi cuộc khỏi nghĩa Yên Bái nổ ra, ứng vào hai khổ thơ:
Kìa kìa gió thổi lá rung cây
Rung Bắc rung Nam, Đông tới Tây
Tan tác KIẾN kiều AN đất nước
Xác xơ CỔ thụ sạch AM mây.
LÂM giang nổi sóng mù THAO cát
HƯNG địa tràn dâng HÓA nước đầy
Một ngựa một YÊN ai sùng BÁI
Cha con nhà VĨNH BÁO cho hay.
Trong hai khổ thơ này có nhắc đến các địa danh liên quan đến cuộc khởi
nghĩa của Nguyễn Thái Học: Yên Bái, Kiến An, Lâm Thao, Hưng Hóa...
Làng Cổ Am của Trạng bị giặc Pháp triệt phá, và huyện Vĩnh Bảo, quê nội
của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Hoặc, khổ thơ sau đây được cho là ứng với cuộc đại chiến thế giới lần thứ
hai khá chính xác:
Long vĩ, xà đầu khởi chiến tranh
Đông Tây Nam Bắc khởi đao binh
Mã đề, dương cước anh hùng tận
Thân Dậu niên lai kiến thái bình.
(Cuối năm Thìn (long vĩ, 1940), đầu năm Tị (xà đầu, 1941) nổ ra chiến
tranh; Đông - Tây - Nam - Bắc (của thế giới) bắt đầu xảy ra việc binh đao.
Từ năm Ngọ (mã đề, 1942) đến cuối năm Mùi (dương cước, 1943) anh hùng
chết nhiều. Đến năm Thân (1944), năm Dậu (1945) lại thấy có thái bình.)
Những câu chuyện về sấm Trạng Trình rất phong phú, có khi sáng rõ một
cách tự nhiên, có khi mù mờ, đầy vẻ suy diễn. Lại có những câu ngờ rằng
người đời sau mượn danh Trạng viết ra. Song cho đến nay, sấm Trạng Trình
vẫn luôn là những điều huyền bí, thách đố các thế hệ, trong đó có nhiều nhà
khoa học, luận giải.