LÊ QUÝ ĐÔN
(1726 - 1783)
Túi khôn của thời đại
G
iống như những thần đồng thuở xưa, Lê Quý Đôn có rất nhiều giai
thoại chứng tỏ sự thông minh, lanh lợi ngay từ nhỏ. Đáng chú ý là bài thơ
chuộc lỗi có đầu đề là "Rắn đầu rắn cổ" vẫn còn truyền tụng cho đến nay:
Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!
Rắn đầu biếng học quyết không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét, mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,
Lần lưng chẳng khỏi vết roi tra.
Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!
Bài thơ không chỉ cho thấy tài xuất khẩu thành thi của cậu bé Lê Danh
Phương (tên của Quý Đôn thuở nhỏ) mà còn cho thấy sự hiểu biết về các
loài rắn của cậu. Mỗi câu đều có chữ liên quan đến loài rắn: liu điu, hổ lửa,
mai gầm, rắn ráo, thằn lằn, hổ trâu, hổ mang... Ham hiểu biết, thích sưu
tầm, thích khám phá, lại có một trí nhớ siêu việt - đó là những tố chất để sau
này cậu trở thành một nhà bác học lớn vào thời đại của mình.
Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn sống ở quê (huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ,
nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Cậu thích cuộc sống dân dã, hồn
nhiên, gần gũi với thiên nhiên, sông nước. Năm 13 tuổi, Lê Quý Đôn theo
cha lên kinh, học với thầy là tiến sĩ Lê Hữu Kiều. Năm 17 tuổi cậu đỗ đầu kì
thi Hương. Đen khoa thi Nhâm Thân (1752) đời vua Lê Hiển Tông, Lê Quý
Đôn lại đỗ đầu cả kì thi Hội và thi Đình, giành danh vị Bảng nhãn (khoa thi
này không có Trạng nguyên).