cũng rất chú trọng bày tỏ tấm lòng với nước với dân. Chỉ riêng việc sắp xếp
thứ tự các chí, đưa Địa dư chí lên đầu tiên, đã cho thấy dụng ý của tác giả
nhằm khẳng định lãnh thổ của nước ta. Hay khi trình bày chính sách đối nội
của các triều đại, bao giờ cũng thấy họ Phan đứng trên lợi ích của đông đảo
nhân dân. Ví dụ ông phê phán gay gắt lệ nộp tiền để được bổ nhiệm các
chức quan, dẫn đến việc tạo ra những tên quan tham dốt nát chỉ giỏi đục
khoét dân...
***
Phan Huy Chú bâng khuâng giở lại mấy trang đầu bộ sách vừa viết xong.
Mắt ông lướt nhanh qua những câu chữ từ lâu đã thành thân quen đến thuộc
lòng. Đến một đoạn văn, ông bỗng dừng lại: "Của báu của một nước, không
gì quý bằng đất đai. Nhân dân và của cải do đấy mà sinh ra...". Phan Huy
Chú như trở lại với niềm xúc động mà ông từng nếm trải khi đặt bút viết
những dòng này. Đúng vậy, mỗi khi bàn về cương vực núi sông, luận về
công lao xây dựng, bảo vệ giang sơn của tổ tiên, bao giờ ông cũng thấy tâm
hồn mình lâng lâng phấn chấn. Ông hào hứng đọc tiếp: "Nhà Đinh nổi lên
gây nền thống nhất. Tiền Lê nối sau mở rộng thêm ra, bờ cõi nước Việt ta
bấy giờ mới định hẳn. Sau đấy Lý, Trần thay nhau đứng lên chống chọi với
Tống, Nguyên. Lê Thái Tổ nổi dậy quét sạch giặc Minh, vận hội đến lúc
thịnh, cõi đất ngày rộng ra"...
Vừa lúc ấy cửa kẹt mở, vợ ông bước vào, một tay bưng bát thuốc, tay kia
dắt theo một bé gái trạc mười tuổi - Con gái ông! Vợ ông đon đả:
- Em không có ý làm phiền thầy nó. Nhưng thấy thầy nó xanh và gầy quá,
nên sắc ít thuốc bổ, đưa lên cho thầy nó uống cho lại sức. Phan Huy Chú
đứng vội dậy, đón lấy bát thuốc, rồi dắt vợ con đến ngồi vào chiếc chõng:
- U nó vừa phải trông nom cửa nhà, con cái, vừa phải lo làm ăn có tiền
cho tôi viết sách, tôi thật chẳng biết lấy gì báo đáp.
- Phận đàn bà em lo những việc ấy có đáng gì so với công sức thầy nó bỏ
ra suốt mấy năm nay. Em chỉ giận mình đầu óc ngu tối, chẳng san được nỗi
khó nhọc của chồng.