HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA TẬP 1 - Trang 80

bấy nhiêu. Nhà vua đã cho san định lại các điều luật với tên mới là "Quốc
triều hình luật". Bộ luật này ra đòi năm Hồng Đức thứ 14 (1483) nên quen
gọi là "Luật Hồng Đức" mà cốt lõi vẫn là bộ "Quốc triều điều luật", được
Triệu Thái soạn ra từ 50 năm trước. Vì bộ Luật Hồng Đức còn lại đến ngày
nay, trong khi bộ "Điều luật" hiện không giữ được văn bản gốc, cho nên
phân tích "Quốc triều hình luật" sẽ thấy được công lao của Triệu Thái. Ông
xứng đáng được gọi là "người đặt nền móng cho Luật pháp ở Việt Nam".

Ngoài việc soạn thảo luật, Triệu Thái còn là một quan chủ khảo công

minh và có con mắt xanh trong việc tuyển chọn nhân tài cho đất nước ở
những kì thi sau này.

Trong việc bang giao với nhà Minh, soạn thảo văn bản, giấy tờ, ông đóng

góp một phần đắc lực. Sử sách còn ghi lại, năm 1442, nhà Minh gây sự, đòi
hai châu Như Tích và Chiêm Lăng nơi biên giới Cao Bằng. Triều đình cử
Triệu Thái sang Yên Kinh thương thuyết. Ông rất am hiểu luật pháp nhà
Minh, tranh cãi với họ bằng tiếng nước họ và cơ sở pháp lí của họ nên đã
giành được chủ quyền trên hai vùng đất này. Nguyễn Trãi đã xác nhận rõ
ràng trong sách Dư địa chí: "Hai châu Như Tích, Chiêm Lăng thuộc An
Bang. Châu Như Tích có 67 xã, 4 động, châu Chiêm Lăng có 11 xã, 9
động". Tiếc rằng, dưới triều Mạc, các vua cuối cùng của nhà Mạc đã dâng
hai vùng đất đó cho nhà Minh để xin họ "bảo vệ" cho sống vất vưởng ở Cao
Bằng.

Khi về trí sĩ ở nơi chôn rau cắt rốn, Triệu Thái lại mang hiểu biết của

mình xây dựng lại quê hương tại Sơn Đông, Lập Thạch. Với con mắt của
một nhà quy hoạch, ông đã vận động dân chúng bố trí lại nhà cửa cho tiện
ích hơn: Con đường chính với năm ngõ lớn thẳng góc với đường trục đi vào
các khu vực trong xã. Các nhà xây áp lưng vào nhau, giữa từng "cặp nhà"
như vậy có khoảng cách, tạo thành những ngõ xương cá. Từ các nhà dân đi
ra ngõ rất tiện và thoáng. Khi năm cánh cửa gỗ lim lớn ở năm ngõ khép lại
thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, kẻ cướp - ngày xưa thường có những đảng
cướp ban đêm xuống cướp ở các làng - rất khó đột nhập, mà người bên trong
lại có thể ứng cứu cho nhau.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.