Thật vậy, Gudi-Ussuf là một trong những cái tên mà trong môi trường
nhà bếp quân Hồi gọi Gurdulù, khi anh ta vượt ra khỏi trận tuyến và
lọt vào doanh trại vua Hồi mà không hề hay biết. Người ngư dân đội
trưởng, từng là lính trong quân đội Hồi trên đất Tây Ban Nha, biết
Gurdulù có một cơ thể tráng kiện và một tâm hồn hiền hòa, đã nhận
anh ta đi theo mình làm một ngư dân bắt sò hến.
Một buổi chiều, Gurdulù và đội ngư dân đang ngồi trên bãi đá bên bờ
biển Maroc mở từng con sò con hến đã lưới được, thì từ dưới mặt
nước nhô lên: mào lông, cái mũ sắt, phiến giáp, tóm lại, một bộ áo
giáp nguyên vẹn từng bước từng bước tiến vào bờ.
– Người tôm hùm! Người tôm hùm! – các ngư nhân vô cùng sợ hãi
kêu lên và chạy trốn vào các khe đá.
– Người tôm hùm cái nỗi gì! – Gurdulù nói – đó là ông chủ tôi! Thưa
hiệp sĩ, hẳn là ngài đã mệt mỏi rã rời, sau một chuyến đi dài hoàn toàn
lội bộ!
– Ta không mệt cũng chẳng mỏi gì cả – Agilulfo đáp lại. – Còn anh,
anh làm gì ở đây?
– Chúng tôi đang tìm ngọc cho nhà vua – viên cựu binh xen vào –
mỗi chiều nhà vua phải tặng một viên ngọc mới cho một người vợ
khác nhau.
Có ba trăm sáu mươi lăm bà vợ, mỗi đêm nhà vua thăm một bà, vậy
là mỗi năm mỗi người vợ chỉ được thăm một lần. Nhà vua có thói
quen đem theo một viên ngọc làm quà cho bà vợ được ông thăm, cho
nên mỗi ngày các nhà buôn phải cung cấp một viên ngọc mới tinh cho
ông. Vì ngày hôm đó các nhà buôn đã bán hết kho dự trữ, họ phải nhờ
đội ngư dân tìm cho nhà vua một viên ngọc bằng bất cứ giá nào.
– Ngài giỏi đi bộ dưới đáy biển đến thế – viên cựu binh nói với
Agilulfo – sao ngài không tham gia vào công cuộc của chúng tôi?