“quân chó má” qua hai thứ tiếng để kiếm lợi, họ cũng phải đứng trước
những khả năng nguy khốn nào đó. Trên chiến trường, kẻ nào tay
chân nhanh nhảu đều luôn có thể thực hiện một cuộc thu hoạch dồi
dào, đặc biệt là khi tới nơi vào thời điểm thích hợp, trước khi những
đám bộ binh lố nhố rớ đâu chộp đó mò đến.
Khi thu lượm chiến lợi phẩm, lính bộ binh thấp bé có lợi thế, nhưng
khổ nỗi là đúng vào cái lúc trúng mánh thì các chàng kỵ binh trên yên
ngựa giáng một cú mặt gươm choáng váng lên bọn họ và phỗng tay
trên tất cả. Chiến lợi phẩm ở đây không phải là những thứ giật ra trên
thân thể người chết – bởi lột quần áo một thi thể là công việc đòi hỏi
một cuộc chú tâm đặc biệt – mà là toàn thể những thứ đồ vật vương
vãi. Với cái tập quán xông vào chiến trường trĩu trịt các thứ mũ giáp
cân đai và đồ trang trí cho ngựa chồng chất lên nhau, thì ở cuộc đụng
độ đầu tiên, một mớ vật thể các loại sẽ bị rơi vãi xuống đất. Thế nên,
còn ai nghĩ đến đánh với đấm mà làm gì? Cuộc chiến đấu lớn lao là
để thu lượm đồ vật; rồi tối đến khi về lại doanh trại đem ra mà đổi
chác và mặc cả. Vòng vòng cũng y những món đồ ấy chuyển từ
doanh trại này sang doanh trại kia, từ đội quân này sang đội quân kia
trong cùng một doanh trại; thế là cuối cùng, phải chăng chiến tranh
chính là cái cuộc chuyền từ tay người này sang tay người kia các món
đồ, mỗi lúc lại méo mó thêm một chút?
Những gì xảy đến với Rambaldo thì khác hẳn với những gì thiên hạ
đã bảo với cậu. Cậu chĩa giáo xông lên, bồn chồn ngóng chờ cuộc
đụng độ giữa hai tuyến quân. Đụng độ, họ đụng độ: song mọi sự
dường như đã được tính trước, mỗi kỵ sĩ phi xen qua cái kẽ trống giữa
hai địch quân mà không hề phớt chạm vào nhau. Trong một khoảng
thời gian, hai tuyến quân tiếp tục phi, mỗi tuyến theo hướng của
mình, xoay lưng về nhau, sau đó họ trở ngựa, tìm tới cuộc đối đầu,
nhưng giờ thì khí thế đã nhụt. Ai còn tìm ra được tay thủ lĩnh Argalif
Isoarre trong đám hỗn độn này nữa đây? Rambaldo phi đến húc khiên
với một viên lính Hồi, nó rắn như một con cá khô. Nhường lối cho